Hàng trăm con bò chết vì nắng hạn. Hàng ngàn gia súc, gia cầm đang suy kiệt vì thiếu nước uống, chất dinh dưỡng…
Đến chiều 13-4, theo thống kê của Phòng NN&PTNT Ea Súp (Đắk Lắk), toàn huyện đã có hơn 130 con bò chết vì nắng hạn, hàng ngàn gia súc, gia cầm đang suy kiệt vì thiếu nước uống, chất dinh dưỡng…
Trong đó riêng xã Ia Lốp đã có 83 con bò, trâu chết và xã Ia Rvê có trên 50 con chết, chưa kể hàng trăm con gia cầm, dê cũng bị chết, hàng trăm hecta hoa màu mất trắng, 91 giếng khoan cạn kiệt…
Bò ăn cả rác, bao tải
Chiều 12-4, giữa đồng cỏ khô cằn ở xã Ia Lốp, vợ chồng bà Lê Thị Cúc Phương (ngụ thôn Đoàn) cùng nhau ghìm một con bò ốm nhom để đổ chai nước ngọt vào miệng nó. Bà Phương cho biết con bò bị say nắng nằm gục bên đường nên phải mua nước ngọt tẩm bổ.
“Bò hứng chịu nắng, lại toàn ăn cỏ khô nên yếu hẳn. Hễ con nào có dấu hiệu trướng bụng, lờ đờ là tôi phải ép nó uống nước này cho lại sức” – bà Phương than thở.
Còn ông Phùng Ngọc Cường (thôn 8, xã Ia Rvê) lùa đàn bò hơn 40 con về nhà lúc chiều muộn khi chúng đang tranh nhau một mảnh bao tải đã mục vì thiếu thức ăn.
“Bao nhiêu năm rồi mới thấy hạn hán khốc liệt đến vầy. Cỏ không còn, tui đưa đàn bò đi từ sáng tới chiều, kiếm được gì ăn nấy, kể cả rác rưởi” – ông Cường xót xa. Để cứu đói cứu khát cho đàn bò, ông Cường đã mua hai xe rơm giá 4 triệu đồng làm thức ăn và khoan một cái giếng hết hơn 15 triệu đồng lấy nước cho bò uống.
Dẫn chúng tôi xem trang trại bò sau nhà, ông Phạm Bạo (ngụ thôn 6, xã Ia Rvê) vội đỡ con bê đang nằm thoi thóp vì thiếu sữa mẹ đứng dậy. Trong chuồng, hơn trăm con bò cũng gầy trơ xương, lờ đờ, bất động. Ông Bạo cho biết ruộng đồng không có cỏ nên phải mua 2 tấn lúa loại ngon, 3 tấn mì và hàng chục xe rơm làm thức ăn cho đàn bò.
Chỉ tay vào mấy con bò đang uể oải liếm chút cám trong máng, ông Bạo nói: “Tôi xay gạo thành bột rồi hòa với nước muối cho tụi nó ăn thêm. Con nào yếu quá thì tiêm thuốc bổ, vitamin C. Đàn bò trị giá hơn tỉ bạc mà giờ bán chẳng ai mua nên phải tìm mọi cách để cứu”.
Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Bạo đã có hơn 30 con bò chết, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Mở cuốn sổ theo dõi đàn bò gần 120 con, ông Bạo chỉ từng ngày có bò mẹ và bê con chết. “Ở xã Ia Rvê này không có hệ thống thủy lợi, kênh mương dẫn nước nên thiếu nước, thiếu cỏ. Nói ngay đàn bò nhà tôi, con trước nhai cỏ khô thì con sau chỉ có hít bụi, thêm cái nóng hơn 400C, bò không sống nổi” – ông Bạo thở dài.
3-4 triệu đồng/con bò
Chập tối 12-4, cột chậu nhôm lỉnh kỉnh xương và thịt bò trên chiếc xe máy, ông Lê Kỳ Gióng (ngụ thôn Vùng, xã Ia Lốp) tất tả chạy từ đầu đến cuối thôn Lầu Nàng, cách nhà 12km, rao bán thịt con bò của gia đình mới chết vì nắng hạn.
Những cái lắc đầu khiến khuôn mặt ông Gióng buồn xo. Có tiếng người gọi, ông Gióng vội quay xe lại. Khách hỏi: “Có phải bò bệnh không đấy? Có tiêm phòng không?”. “Không đâu chị ơi, bò chết lúc trưa nay vì nắng nóng đấy” – ông Gióng phân bua.
Sau khoảng 20 phút mặc cả, ông cũng bán được 2kg thịt bò với giá 180.000 đồng. Nhẩm đếm số tiền, ông Gióng nói như khóc: “Thịt bò giờ rẻ hơn thịt heo. Con bò này lúc sống bán phải được 13-14 triệu đồng, vậy mà thương lái đến trả có 3 triệu đồng. Tiếc của, tôi xẻ thịt đem bán nhưng cũng chẳng mấy ai mua”. Ông Gióng cho biết thêm, đàn bò hơn 20 con ở nhà cũng đang kiệt sức vì nắng hạn.
Cách nhà ông Gióng không xa, gia đình anh Trịnh Quốc Hoàn cũng vừa bán xong con bò mới chết. Dừng chiếc xe máy giữa sân, anh Hoàn thở dài: “Đi bán trưa giờ được 4 triệu đồng. Giá thịt bò bèo lắm!”. Nhà anh nuôi 30 con bò thì đã có 4 con chết vì thiếu chất dinh dưỡng. “Trời nóng khiến đồng khô cỏ cháy, nước không có nên bò đói ăn rồi kiệt sức mà chết” – anh Hoàn nói.
Ông Nguyễn Ngọc Phú – trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ea Súp – cho biết nguyên nhân khiến bò chết hàng loạt là do thiếu chất dinh dưỡng, thức ăn và nước uống, chưa kể bò ăn quá nhiều khoai mì dẫn đến trướng bụng rồi chết. “Bò chết tập trung ở các xã Ia Rvê, Ia Lốp do tại đây không có hồ chứa nước và kênh mương thủy lợi” – ông Phú nói.
Theo ông Phú, vì hạn hán năm nay quá khốc liệt nên ưu tiên trước mắt là ứng quỹ dự phòng để giúp người dân khoan giếng lấy nước sinh hoạt. “Đối với các hộ chăn nuôi bò, huyện chỉ đạo bà con tăng cường khẩu phần ăn, chất dinh dưỡng, đồng thời báo cáo lên tỉnh để xin hỗ trợ” – ông Phú thông tin.
Tiến Thành – Huyền Trang
Theo Tuổi Trẻ