Một người phụ nữ Mỹ có tên Kathryn Mayorga đã lên tiếng cáo buộc Cristiano Ronaldo thực hiện hành vi cưỡng hiếp mình và sau đó dùng tiền để đổi lấy sự im lặng.
Đây là thông tin mà tờ Der Spiegel (Đức) tiết lộ. Cụ thể, Ronaldo được cho là đã thực hiện hành vi cưỡng bức người phụ nữ này vào năm 2009 khi có mặt tại Las Vegas (Mỹ). Sau đó, CR7 đã chi 375.000 USD để thông tin này không bao giờ bị tiết lộ.
Vào năm 2010, Ronaldo được cho là đã dàn xếp ổn thỏa với người phụ nữ này dưới sự chứng kiến của một hòa giải viên bang Nevada (Mỹ). Song giờ đây, luật sư của người phụ nữ này đòi xem xét lại tính hợp pháp của vụ hòa giải này.
Ronaldo bị cáo buộc hiếp dâm người phụ nữ Mỹ vào năm 2009. Ảnh: Getty Images. |
Thông tin Ronaldo hiếp dâm người phụ nữ Mỹ này và dùng tiền chuộc để đổi lấy sự im lặng đã được tờ Der Spiegel tiết lộ cách đây một năm rưỡi. Khi đó, tên cô gái Mỹ này là Susan K và Ronaldo đã phủ nhận cáo buộc cưỡng hiếp vào năm ngoái và cho rằng việc anh quan hệ với Kathryn Mayorga đã được sự đồng ý của cô gái này. Tuy nhiên luật sư của Kathryn Mayorga đã đưa ra tài liệu chứng tỏ rằng Ronaldo cố tình cưỡng bức thân chủ của mình.
Cách đây một năm, người phụ nữ này cũng tiết lộ Ronaldo đã quỳ xuống chân cô và nói rằng anh là người đàn ông với “99% lương thiện” và hành vi cưỡng bức chỉ là hệ quả của 1% còn lại.
Những thông tin có được do Football Leaks tiết lộ. Trong tài liệu, Ronaldo được gọi với bí danh “Topher”. Đó là một bản hợp đồng ngầm, có chữ ký của CR7 và không nghi ngờ về tính xác thực.
Nhật báo của Đức cũng thu thập được tin nhắn giữa Ronaldo và luật sư Osório de Castro, trong đó xác nhận tiền đạo người Bồ Đào Nha biết về cáo buộc vụ việc ở Las Vegas.
Đây không phải lần đầu tiên Ronaldo bị đồn thổi dính vào bê bối tình dục. Vào tháng 10/2005, thời điểm cây cầu thủ này còn đá cho Manchester United, truyền thông Anh loan tin CR7 cùng bạn của mình bị hai người phụ nữ cáo buộc tấn công tình dục tại khách sạn Sanderson (London, Anh).
Hiện tại, luật sư của Ronaldo, ông Schertz Bergmann Rechtsanwälte đã phủ nhận mọi cáo buộc mà tờ Der Spiegel và khẳng định đó là những tuyên bố “bất hợp pháp”. Đi cùng với đó là lời cảnh báo về việc kiện kèm bồi thường thiệt hại hình ảnh.