Chiều 28/2, ông Chung, giám đốc Viet Challenge tours cho biết vừa nhận được thông báo của Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Dalat Tourist) tạm ngừng hoạt động các loại hình du lịch mạo hiểm tại thác Datanla.
Theo ông Chung động thái này của Dalat Tourist là hợp lý vì sau vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 du khách Anh thiệt mạng, du khách cảm thấy chợn. Các hướng dẫn viên (HDV) tại Datanla đang sốc, cần có thời gian để ổn định về mặt tâm lý.
Mặt khác, thông tin từ Dalat Tourist, phải tạm ngừng hợp tác khai thác các loại hình du lịch mạo hiểm tại Datanla với 8 doanh nghiệp lữ hành để cơ quan chức năng tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 du khách.
Trung tâm điều hành hướng dẫn du lịch Đà Lạt cũng cần có thời gian để rà soát lại các thiết bị phục vụ du lịch thể thao mạo hiểm trong khu vực thác nhằm bảo đảm an toàn cho du khách.
Theo Trung tâm điều hành hướng dẫn du lịch Đà Lạt, để triển khai các loại hình du lịch mạo hiểm như đi bộ, trượt thác, đu dây vượt thác…, đơn vị phải đầu tư nhiều loại thiết bị bảo hộ an toàn như dây, móc, áo phao, mũ bảo hiểm… và phải thuê hướng dẫn viên chuyên nghiệp nước ngoài để tập huấn cho các hướng dẫn viên. Sau khi xảy ra sự cố thương tâm, tinh thần của các hướng dẫn viên bị ảnh hưởng nặng nề, cần có thời gian để ổn định tâm lý.
Là người có 10 năm kinh nghiệm làm du lịch mạo hiểm, anh Võ Đức Trung, Giám đốc Công ty CP Du lịch mạo hiểm Việt nhấn mạnh: Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch đặc thù, có điều kiện, phải có trang thiết bị chuyên dùng đạt chất lượng.
Khi hợp đồng với du khách phải thiết kế lộ trình rõ ràng và hướng dẫn viên phải buộc du khách tuân thủ lộ trình, không thể để họ tùy tiện thay đổi lộ trình. Chẳng hạn, vụ tai nạn nói trên cho thấy đơn vị lữ hành bán vé Trekking (đi bộ xuyên rừng) nhưng lại để du khách đùa giỡn dưới nước là thiếu chuyên nghiệp trong thực hiện tour.
Cũng theo anh Trung, hiện nhiều tour du lịch mạo hiểm do các đơn vị trên địa bàn tổ chức thiếu hướng dẫn viên và các thiết bị an toàn cần thiết. Để đảm bảo an toàn, dù đi 3 khách cũng cần 2 hướng dẫn viên vì địa hình thác nước hiểm trở, rất cần sự hướng dẫn chuyên nghiệp, quản lý chặt chẽ của đơn vị tổ chức.
Thực tế có những đơn vị tổ chức cho 15-20 khách thám hiểm mà chỉ có 2-3 hướng dẫn viên, lộ trình lại không được thiết kế rõ ràng… Nếu các đơn vị vẫn duy trì cách tổ chức như thế thì tất yếu xảy ra tai nạn.
Lãnh đạo phòng ban nghiệp vụ của Công an tỉnh Lâm Đồng cũng nhận định hiện một số doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm hoạt động không lành mạnh: Giảm giá tour xuống mức rất thấp để cạnh tranh và vì vậy mà chất lượng tour không đảm đảm bảo, đặc biệt là trình độ của đội ngũ HDV…
Sắp tới ban ngành chức năng cần tăng cường phối hợp để kiểm tra, chấn chỉnh, tăng mức chế tài với các trường hợp không chấp hành các qui định của nhà nước, của ngành…
Kim Anh
Theo Tiền Phong