Hôm nay, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Năng lượng- Bộ Công thương đồng tổ chức Hội thảo ”Xây dựng Phát triển ngành Điện mặt trời tại Việt Nam: Hiện trạng và Kinh nghiệm quốc tế”. Hội thảo được thực hiện bởi Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ CHLB Đức “Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng” (gọi tắt là Dự án 4E) nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng năng lượng tái tạo to lớn của Việt nam, đóng góp vào việc đạt được những chỉ tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chiến lược Phát triển xanh và mục tiêu giải quyết biến đổi khí hậu của Việt Nam. Dự án 4E được triển khai bởi GIZ và Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp Tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).
Hội thảo ”Xây dựng Phát triển ngành Điện mặt trời tại Việt Nam: Hiện trạng và Kinh nghiệm quốc tế ” hướng tới các Bộ ngành có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính; các sở, ban, ngành liên quan như Sở Công thương và Sở Kế hoạch Đầu tư của 32 tỉnh thành có tiềm năng lớn về phát triển điện mặt trời; và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Với sáu bài trình bày từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về ba mảng chính, Hội thảo diễn ra với mục đích cung cấp đại biểu tham gia những thông tin cơ bản về tiềm năng, mục tiêu quốc gia và khung pháp lý phát triển ngành điện mặt trời tại Việt Nam; các cơ hội và thách thức đối với nhà đầu tư khi xây dựng phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam; kinh nghiệm thế giới về hiện trạng phát triển điện mặt trời, các nhân tố thành công cơ bản, chi phí, các vấn đề đấu nối và quy hoạch dự án điện mặt trời. Hội thảo còn là diễn đàn đối thoại tạo cơ hội cho đại biểu tham dự đóng góp ý kiến vào bản dự thảo Thông tư về đầu tư điện mặt trời và Hợp đồng mua bán cho các dự án điện mặt trời. Ngoài ra, Hội thảo còn tổ chức một phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia của đại diện các Sở Công thương, nhà đầu tư và ngân hàng thương mại.
Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nhanh, gây áp lực đáng kể cho ngành điện. Trong thập kỷ qua, các nhà máy nhiệt điện than đã gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho môi trường và cuộc sống của người dân. Thêm vào đó, thủy điện – nguồn năng lượng rẻ nhất ở Việt Nam, phần lớn đã được khai thác và gây ra nhiều tác động không mong muốn. Rõ ràng, phát triển năng lượng tái tạo là một xu hướng không thể tránh khỏi nếu Việt Nam mong muốn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tiêu thụ điện, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng mặt trời đóng một vai trò rất quan trọng.
Việt Nam có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn. Tiềm năng năng lượng mặt trời cho khu dân cư và thương mại ước tính đạt tối thiểu 2 – 5 GWp trong thập kỷ tới. Công suất của hệ thống mặt trời lắp trên mặt đất có tiềm năng vào khoảng 22GW đối với khu vực miền Nam Việt Nam. Nhằm hiện thực hóa những tiềm năng này, trong QHĐ VII điều chỉnh, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng công suất điện mặt trời từ khoảng 6 -7 MW vào cuối năm 2015 lên 850 MW vào năm 2020, 4000 MW vào năm 2025 và 12000 MW vào năm 2030. Cam kết chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu này được thể hiện trong Quyết định số 11/2017/ QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ cho dự án điện mặt trời. Gía mua điện mặt trời chính thức được chính phủ Việt Nam công bố vào ngày 11 tháng 4 năm 2017. Việc ban hành giá mua điện mặt trời thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng và các cơ quan nhà nước tham gia vào phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Đức Quỳnh/TTGD