Hệ thống lưới điện quốc gia tại Lebanon tê liệt sau khi chính phủ nước này không đủ tiền trả nợ, đẩy hàng triệu người dân rơi vào cảnh khốn khó trăm bề.
Cả đất nước chìm vào bóng tối
Vào ngày 23/8, hai nhà máy nhiệt điện cuối cùng của Lebanon chính thức ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do khoản nợ 83 triệu USD của Lebanon với nhà thầu nước ngoài Primesouth – công ty từng thắng thầu quản lý và bảo trì hai nhà máy nhiệt điện của Lebanon.
Trước đó, phía Primesouth đã yêu cầu chính quyền Lebanon chuyển ít nhất 1/8 số tiền này để tiếp tục duy trì hoạt động bảo trì, vận hành hai nhà máy kể trên nhưng bị từ chối. Cho đến nay, Lebanon vẫn chưa hoàn trả khoản nợ khổng lồ này dù chỉ một phần, công ty năng lượng nhà nước Electricité du Liban cho biết.
Cuộc khủng hoảng điện năng tại Lebanon đang đẩy cuộc sống của người dân nơi đây rơi vào cảnh khốn cùng. Ở thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống điện quốc gia đã bị tê liệt, ngay cả các cơ quan thiết yếu như sân bay, tòa nhà chính phủ hay bệnh viện đều không có điện.
Trước khi hai nhà máy nhiệt điện tại Lebanon dừng hoạt động, người dân nơi đây đã phải sống trong cảnh thiếu điện triền miên từ nhiều tháng trước.
Điện lực Lebanon, công ty kiểm soát 90% sản lượng điện của quốc gia này, chỉ cung cấp điện cho người dân từ 1 đến 3 tiếng/ngày và không theo lịch trình cố định. Phần lớn thời gian còn lại, người dân phải phụ thuộc vào các máy phát điện.
Cuộc khủng hoảng điện năng ở Lebanon là một phần nhỏ trong cuộc khủng hoảng kinh tế đang “bào mòn” quốc gia này. Ngân hàng Thế giới nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Lebanon có thể được xem là một trong ba cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ năm 1800 đến nay.
Việc cắt điện từ lâu đã trở thành điều quen thuộc với người dân Lebanon. Mặc dù có thể sử dụng máy phát điện để duy trì cuộc sống nhưng với tỷ lệ lạm phát tăng tới 168% trong tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức đáng báo động, số lượng người có đủ khả năng mua máy phát điện ở Lebanon ngày càng ít.
Chưa kể, một số máy phát điện chỉ đủ sức để cung cấp vài ampe ít ỏi, đủ dùng cho tủ lạnh, quạt và tivi trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Bà Tutunjian (66 tuổi) chia sẻ bà đã quá quen với việc thức dậy lúc nửa đêm để tranh thủ sạc điện thoại, giặt đồ trước khi lại chìm trong bóng tối vì mất điện. Trong cái nóng như thiêu như đốt của mùa hè ở Beirut, thứ duy nhất bà có để làm mát chính là chiếc quạt giấy đã sờn mép.
“Tôi luôn tự nhủ sẽ phải cố gắng trong hoàn cảnh hiện tại, thế nhưng đôi lúc tôi không thể kìm được, tôi giận dữ và bật khóc trong vô vọng”, bà chia sẻ với tờ New York Times.
Bà Tutunjian đã sống trong căn hộ cũ này từ năm 1973, trải qua cuộc nội chiến năm 1975 – 1990, vụ ném bom ở Beirut vào năm 2006 và vụ nổ cảng Beirut vào năm 2020. Bà dành phần lớn thời gian ở nhà một mình, ngồi hàng giờ trong bóng tối mỗi ngày khi bà không đủ tiền để mua một chiếc máy phát điện.
Bà cho biết mình rất muốn đến Úc để sống cùng con trai nhưng hộ chiếu của bà đã hết hạn và gặp khó khăn trong việc gia hạn. Chưa kể, chi phí vé máy bay đắt đỏ cùng cuộc phẫu thuật tốn kém trước đây đã ngốn gần hết số tiền tiết kiệm của bà, buộc bà phải tiếp tục cuộc sống ngột ngạt bên trong căn hộ đã xuống cấp của mình.
Bà Delinian, 70 tuổi, có phần may mắn hơn bà Tutunjian khi ít nhất bà còn có một chiếc máy phát điện riêng. Nhờ nó, bà có thể sử dụng tivi và tủ lạnh, thậm chí còn có thể cho những người hàng xóm để nhờ đồ ăn trong tủ lạnh và sạc điện thoại. Thế nhưng, bà Delinian cũng phải từ bỏ sở thích ăn kem của mình vì bà biết nó sẽ tan chảy bởi lượng điện từ máy phát không đủ để làm đông kem.
Các bệnh viện cũng ở trong tình cảnh nguy cấp khi không có điện. “Nếu không có điện trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, nhiều người sẽ có thể gặp các vấn đề về tim và da liễu. Chưa kể, các bệnh nhân thở máy nhân tạo cũng cần tới điện”, một bác sĩ ở Lebanon nói. “Chính phủ cần giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng trước khi một thảm họa y tế diễn ra”.
Cuộc sống khốn cùng của người dân Lebanon
Nhiều người dân khác ở Lebanon cũng đang rơi vào cảnh khó khăn cùng cực. Có những người đã buộc phải bán nhẫn cưới của mình và chồng quá cố để có thể trang trải cuộc sống. Vào đầu năm nay, một người đàn ông ở Lebanon đã phải cầm súng xông vào ngân hàng Beirut và yêu cầu phía ngân hàng cho anh ta rút toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình, khoảng hơn 200.000 USD.
Anh cho biết mình cần tiền để chi trả cho cuộc phẫu thuật của người cha. Nếu không rút được tiền tiết kiệm, anh sẽ giết tất cả mọi người trong ngân hàng và tự thiêu.
Cuối cùng, anh ta chỉ được lấy một phần nhỏ trong khoản tiền tiết kiệm của mình và bị giam giữ trong ít ngày. Thế nhưng, hành động của người đàn ông này được người dân Lebanon ủng hộ hết lòng bởi họ đã không còn bất kì niềm tin nào với bộ máy chính quyền của nước này.
Vào tháng 1 năm nay, giá cước viễn thông tăng tới 331% trong khi giá điện nước và các loại nhiên liệu, thực phẩm cũng tăng mạnh từ 138% – 163% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở thời điểm hiện tại, giá cả tại Lebanon vẫn tiếp tục leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính tại Lebanon cũng khiến đồng nội tệ mất giá tới hơn 95%, đẩy hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ.
Hành động của chính phủ
Nội các Lebanon mới đây đã lên tiếng yêu cầu Liên hợp quốc thanh toán các hóa đơn tiền điện cho các trại tị nạn của người Syria. Trước đó, vào tháng 6 năm nay, Lebanon cũng đã yêu cầu Liên hợp quốc chi trả số tiền điện mà người tị nạn Syria và Palestine sử dụng.
Theo Liên hợp quốc, Lebanon là quốc gia có số lượng người tị nạn bình quân đầu người cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Ước tính ngoài 7 triệu công dân của Lebanon, quốc gia này còn có khoảng 1,5 triệu người tị nạn Syria, gần nửa triệu người tị nạn Palestine và vài nghìn người tị nạn từ các quốc gia khác. Hầu hết họ sống trong các trại tị nạn trong tình cảnh thiếu thốn trăm đường.
Nhiều chính trị gia ở Lebanon đã buộc tội những người tị nạn là nguyên nhân gây ra các tệ nạn và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng điện năng và khủng hoảng kinh tế của quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, bà Tamirace Fakhoury, Phó giáo sư tại Đại học Aalborg cho rằng chính phủ Lebanon đang lợi dụng cuộc khủng hoảng điện năng để kiếm thêm nguồn viện trợ quốc tế. Thay vì thừa nhận năng lực quản lý yếu kém của nhà nước, nhiều người lại lợi dụng những người tệ nạn để biện minh cho tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. “Rõ ràng, cuộc khủng hoảng tị nạn đang được dùng để lấp liếm cho sự suy thoái của ngành năng lượng tại Lebanon”, bà nói.
Khánh Tú / Vietnamfinance