Mối quan hệ giữa Mỹ và Mexico đã trở nên sâu sắc hơn sau 30 năm thương mại tự do tạo ra nhiều lợi ích cho cả hai bên. Đòn giáng thuế quan mới nhất của ông Trump lên hàng hóa Mexico được cho là sẽ sẽ đảo ngược nhiều thập kỷ hội nhập giữa 2 quốc gia này.
Đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ
Khi ông Dennis Nixon bắt đầu làm việc tại một ngân hàng khu vực ở Laredo, Texas, vào năm 1975, chỉ có một dòng chảy nhỏ giọt thương mại qua biên giới với Mexico. Giờ đây, gần 1 tỷ USD thương mại và hơn 15.000 xe tải lăn bánh qua biên giới mỗi ngày chỉ cách văn phòng của ông vài km, gắn kết nền kinh tế của Mỹ và Mexico lại với nhau.
Laredo là cảng bận rộn nhất của Mỹ và là nơi trung chuyển phụ tùng ô tô, xăng, quả bơ và máy tính. Ba mươi năm hội nhập kinh tế theo một thỏa thuận thương mại tự do đã tạo ra “sự phụ thuộc lẫn nhau và các mối quan hệ mà bạn không phải lúc nào cũng hiểu và đo lường được, cho đến khi có điều gì đó không ổn”, ông Nixon cho hay.
Vào ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của Mexico khi ông tìm cách gây sức ép buộc chính phủ Mexico phải hành động nhiều hơn để ngăn chặn người di cư và ma túy vượt biên giới. Ông Trump cũng đánh thuế 25% đối với hầu hết hàng hóa của Canada và áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Là người ủng hộ lâu năm về thuế quan và chỉ trích các thỏa thuận thương mại tự do, ông Trump dường như không sợ đảo lộn các mối quan hệ kinh tế gần gũi nhất của Mỹ. Ông đang tập trung vào việc củng cố biên giới chống lại nhập cư bất hợp pháp và dòng chảy của fentanyl, hai lĩnh vực mà ông thường nói đến trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của mình.
Nhưng Tổng thống Trump còn có những bất đồng khác với Mexico, bao gồm cả sự cạnh tranh kinh tế mà nước này gây ra cho người lao động Mỹ. Ông Trump và những người ủng hộ ông tin rằng việc nhập khẩu ô tô và thép từ Mexico đang làm suy yếu các nhà sản xuất Mỹ.
Và họ nói rằng Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA), thỏa thuận thương mại mà ông Trump đã ký vào năm 2020 để thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cần phải được cập nhật, hoặc có lẽ, theo một số người, là bị hủy bỏ.
Trong số tất cả các đối tác kinh tế lớn trên thế giới, Mỹ và Mexico là một trong những đối tác tích hợp nhất — được liên kết bởi kinh doanh, thương mại, du lịch, quan hệ gia đình, kiều hối và văn hóa.
“Hai quốc gia của chúng tôi có mối quan hệ cộng sinh”, ông Juan Carlos Rodríguez, giám đốc điều hành tại Tijuana của Cushman & Wakefield, một trong những công ty bất động sản thương mại lớn nhất thế giới, cho biết.
“Nền kinh tế của chúng ta gắn bó chặt chẽ đến mức phải mất hàng thập kỷ mới có thể tách rời”, ông Rodríguez nhận định thêm.
Những bất đồng tiềm tàng
Sự phụ thuộc to lớn của Mexico vào thương mại với Mỹ bắt nguồn từ ít nhất những năm 1960, khi các nhà sản xuất bắt đầu mở nhà máy ngay bên kia biên giới để ứng phó với chi phí lao động tăng cao ở Mỹ và Nhật Bản.
Thương mại tăng lên khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực vào năm 1994. Đối với nhiều người Mỹ, hiệp định thương mại đó hiện đồng nghĩa với việc chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài và tàn phá các thị trấn nhà máy. Nhưng các nhà kinh tế tính toán rằng nhiều khu vực của Mỹ đã được hưởng lợi khi thỏa thuận này làm tăng hoạt động thương mại và kinh tế.
Các khu vực khác của Mỹ bị tổn thương nghiêm trọng khi các nhà sản xuất chuyển đến Mexico để tìm kiếm nguồn lao động rẻ hơn. Khi các thị trấn nhà máy bị khoét rỗng, điều đó đã thúc đẩy phản ứng dữ dội về thương mại.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Peter Navarro, cố vấn cấp cao của tổng thống về thương mại và sản xuất, gọi NAFTA là một “thảm họa” và không tốt cho cả Mexico và Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã đe dọa áp thuế đối với Mexico vì các vấn đề biên giới, nhưng thay vào đó đã giải quyết bằng một thỏa thuận. Ông cũng nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi NAFTA, nhưng thay vào đó đã quyết định đàm phán lại.
Các cố vấn của ông đã thêm các điều khoản vào hiệp ước mà họ tin rằng sẽ thúc đẩy sản xuất thép và ô tô của Mỹ, nhưng một số người hiện cho rằng họ đã không làm được.
Kể từ lần cuối ông Trump ở Nhà Trắng, tầm quan trọng của Mexico đối với nền kinh tế Mỹ đã tăng lên. Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và bắt đầu bùng nổ “nearshoreing” – chiến lược chuyển các hoạt động sản xuất và dịch vụ gần hơn với thị trường tiêu thụ chính.
Các công ty đã tìm cách rời khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan mà ông Trump áp đặt ở đó, cũng như chi phí tăng cao và rủi ro chính trị. Các nhà sản xuất đã nhanh chóng mở nhà máy ở Mexico, nắm bắt cơ sở công nghiệp chi phí thấp và vị trí gần Mỹ của quốc gia này.
Những thay đổi đó đã giúp Mexico trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ về hàng hóa vào năm 2023. Khi thương mại giữa hai nước mở rộng, thâm hụt thương mại song phương với Mexico cũng tăng lên, đây là chỉ số mà ông Trump đặc biệt chú trọng.
Người tiêu dùng Mỹ có thể phụ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài như trước đây. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng hàng nhập khẩu từ Mexico có thể có tác động khá khác biệt đối với nền kinh tế Mỹ so với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đó là vì có nhiều chuỗi cung ứng tích hợp chạy qua lại giữa các biên giới Bắc Mỹ. Hàng hóa như ô tô, đồ điện tử và quần jeans được vận chuyển qua lại giữa Mỹ, Mexico và Canada khi chúng được chuyển từ nguyên liệu thô thành các bộ phận và sau đó là sản phẩm cuối cùng.
Theo các nhà kinh tế tại S&P Global, trong số hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Canada và Mexico, hơn 18% giá trị của chúng được tạo ra tại Mỹ trước khi được chuyển đến các quốc gia đó. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ của các quốc gia khác và là dấu hiệu cho thấy mức độ tích hợp chặt chẽ của các nền kinh tế.
Sự gần gũi tạo ra những lợi ích khác: Nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas đã phát hiện ra rằng sản lượng nhà máy tăng 10% ở Ciudad Juárez, Mexico, dẫn đến tổng số việc làm tăng 2,8 ở El Paso, Texas, tập trung ở các lĩnh vực như giao thông vận tải, bán lẻ và bất động sản.
“Có một nhận thức rằng biên giới chỉ toàn là tường thành và các hoạt động vượt biên trái phép. Biên giới này thực chất là hành lang kinh tế mạnh mẽ nhất trên Trái đất”, ông Diego Solórzano, người sáng lập Desteia, công ty hỗ trợ các công ty đưa ra quyết định về chuỗi cung ứng, cho biết.
Ông Solórzano cho biết, năm ngoái, lượng hàng hóa trị giá khoảng 800 tỷ USD đã được vận chuyển qua biên giới.
Hai nền kinh tế này phụ thuộc vào nhau về nhu cầu năng lượng. Mexico, quốc gia phụ thuộc vào Mỹ để tiêu thụ khoảng 70% lượng khí đốt tự nhiên, dễ bị tổn thương hơn trước bất kỳ sự gián đoạn nào.
Nhưng Mỹ cũng nhập khẩu khoảng 700.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Mexico. Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo rằng việc áp thuế nhập khẩu đối với các loại hàng hóa như vậy có thể khiến giá nhiên liệu tăng, đặc biệt là dầu diesel.
Sản xuất lương thực cũng được tích hợp chặt chẽ. Mexico cung cấp khoảng một nửa lượng trái cây và rau quả tươi của Mỹ và tỷ lệ này tăng lên vào những tháng mùa đông. Mexico cũng nổi lên vào năm ngoái với tư cách là thị trường hàng đầu cho xuất khẩu nông sản của Mỹ, với tổng giá trị là 30 tỷ USD.
Lo ngại về quan hệ thương mại Mexico – Trung Quốc
Ông Trump và những người ủng hộ ông có những lời chỉ trích khác về mối quan hệ Mỹ – Mexico. Một số người cho rằng Mexico đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận mà họ đã ký kết nhằm hạn chế xuất khẩu thép sang Mỹ. Họ nói rằng các lô hàng thép của Mexico sang Mỹ đã vượt quá mức quy định trong thỏa thuận đó, được ký kết cùng với Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada.
Ngoài ra, còn có những lo ngại ngày càng tăng về thương mại của Mexico với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô. Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sang Mexico đã tăng vọt và một số công ty ô tô Trung Quốc đã tìm kiếm các địa điểm nhà máy ở Mexico.
Điều đó đã làm dấy lên lo ngại rằng các công ty Trung Quốc sẽ sử dụng Mexico làm điểm khởi đầu để xuất khẩu sang thị trường Mỹ với mức thuế quan thấp hơn nhiều so với khi họ vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc.
Ồng Brad Setser, một nhà kinh tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết vai trò của Mexico như một kênh trung chuyển hàng hóa Trung Quốc đến Mỹ đã bị cường điệu hóa, nhưng “hoàn toàn có vấn đề trong lĩnh vực ô tô”.
Ông cho biết 1 trong 3 chiếc ô tô được bán ở Mexico vào năm ngoái đến từ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là hàng xuất khẩu của Trung Quốc hiện đang đáp ứng nhu cầu ô tô của Mexico, thay vì hàng xuất khẩu từ Mỹ, một đòn giáng vào ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
Các chủ doanh nghiệp khác cho rằng Mỹ và Mexico nên hợp tác để hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc — nhưng cho rằng điều đó không đòi hỏi phải áp dụng mức thuế quan cao đối với các sản phẩm của Mexico.
Theo The New York Times
Theo Mộc An / Vietnamfinance.vn