VN-Index tiếp tục đà tăng hơn 4 điểm với đóng góp lớn đến từ bộ 3 cổ phiếu VCB, VIC và BCM, vượt ngưỡng đỉnh mới 1.330 điểm trong phiên giao dịch hôm nay (10/3).

VN-Index mở cửa phiên sáng trong hưng phấn và tạo gap tăng 5 điểm. Nhóm ngân hàng, chứng khoán và nhóm cổ phiếu VIC, VHM vẫn tiếp tục thu hút dòng tiền trên thị trường và duy trì chỉ số chung ở mốc điểm cao xuyên suốt phiên. Cuối phiên dòng tiền tiếp tục vào mạnh nhóm bất động sản (bao gồm cả khu công nghiệp). Thanh khoản giao dịch có phần giảm nhẹ so với phiên sáng ngày 07/03 với 234 mã xanh. Chỉ số chung vượt ngưỡng điểm số mới trên 1.330 điểm.
Sang tới phiên chiều, VN-Index có phần hạ nhiệt khi rung lắc về sát tham chiếu, lấp khoảng gap tạo ra từ đầu phiên sáng với áp lực chốt lời dâng cao, đặc biệt ở nhóm ngân hàng và chứng khoán. VCB tăng 1,8%, VIC (tăng 4,4%) và BCM tăng trần đóng vai trò duy trì điểm số chung, đóng góp hơn 5,5 điểm cho thị trường. Thanh khoản giao dịch tiếp tục ở mức cao trên 22.000 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản với sự dẫn dắt của VIC đã tiếp tục nới nhẹ biên độ tăng trong phiên chiều và tiếp tục là nhóm khởi sắc nhất thị trường. Ngoài các mã tăng tốt như VIC, BCM, hay mã nhỏ hơn như IJC, ITC, TDC, còn lại phần lớn chỉ nhích nhẹ như VHM, VRE, PDR, DXG, TCH, SZC, CII…
Giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi khối này ghi nhận bán ròng hơn 525 tỷ đồng trên toàn thị trường, chủ yếu bán FPT, SSI và FRT.

Kết thúc phiên giao dịch, sàn HOSE có 191 mã tăng và 263 mã giảm, VN-Index tăng 4,23 điểm (+0,32%), lên 1.330,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,02 tỷ đơn vị, giá trị đạt 22.775,3 tỷ đồng, tăng 6,8% về khối lượng và 9,5% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 7/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 165,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.877 tỷ đồng.
Sàn HNX có 71 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 1,1 điểm (+0,46%), lên 239,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 56,25 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.038,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 13 triệu đơn vị, giá trị 181,5 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận 8 triệu đơn vị, giá trị gần đạt 112,5 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,08%) lên 99,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 60,5 triệu đơn vị, giá trị 704 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 9,2 triệu đơn vị, giá trị đạt gần 103,5 tỷ đồng, trong đó riêng AAS thỏa thuận 6 triệu đơn vị, giá trị 55,2 tỷ đồng và BBT thỏa thuận 1,93 triệu đơn vị, giá trị đạt 34,78 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ, với VN30F2503 tăng tốt nhất là 4,2 điểm, tương đương tăng 0,3% lên 1.389,4 điểm, khớp lệnh hơn 149.940 đơn vị, khối lượng mở hơn 41.260 đơn vị.
Theo CTCK Vietcombank (VCBS), với đà tăng hưng phấn của chỉ số tại vùng điểm số cao và động lực chủ yếu ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, thị trường có xu hướng đi vào vùng biến động lớn với các nhịp rung lắc trong phiên. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc chốt lời từng phần với những mã đang gặp áp lực bán lớn trong phiên – đặc biệt là các cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng mạnh kể từ đầu năm – để phân bổ sức mua sang các mã cổ phiếu đang vận động tích lũy tạo nền và có kỳ vọng tích cực về kết quả kinh doanh trong quý I/2025.
Theo chuyên gia VNDIRECT, yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của thị trường là dòng tiền mới khi VN-Index vượt mốc kháng cự tâm lý 1.300 điểm, củng cố niềm tin nhà đầu tư; tiến độ triển khai hệ thống KRX; kết quả đánh giá nâng hạng thị trường của FTSE trong tháng 3 và định giá thị trường vẫn ở mức hấp dẫn.
Theo Q.L / Thị trường tài chính tiền tệ