Để phục vụ công tác vận hành và khai thác dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến cần khoảng 13.880 người, nhân lực làm việc trong các cơ quan quản lý khoảng 700 người.
Chiều 1/10, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với vận tốc thiết kế 350km/h, chiều dài khoảng 1.541km; đường đôi khổ 1.435m, điện khí hoá.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD, tương đương suất đầu tư 43,7 triệu USD/km. Đây là mức phí trung bình so với các quốc gia đầu tư đường sắt tốc độ cao ở thời điểm hiện tại.
Về phương án đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã phân tích hai phương án và lựa chọn đầu tư toàn tuyến để cơ bản hoàn thành trong năm 2035.
Cụ thể, đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP. HCM khởi công năm 2027, đoạn Vinh – Nha Trang khởi công năm 2028. Đây được xem là thay đổi lớn của cơ quan nghiên cứu, bởi các đề xuất trước đều đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2045.
Vốn đầu tư dự án được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lấy từ ngân sách Nhà nước, gồm vốn trung ương và góp của địa phương, vốn huy động chi phí thấp và ít ràng buộc. Trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga, đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.
Về tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họ tháng 10/2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025 – 2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn tuyến vào năm 2035.
Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sử dụng nhân lực phục vụ cho công tác xây dựng dự án là khoảng 180.000 người; phục vụ công tác vận hành và khai thác khoảng 13.880 người; nhân lực làm việc trong các cơ quan quản lý khoảng 700 người và khoảng 1.200 kỹ sư tư vấn.
Nhân sự phục vụ công tác quản lý dự án, vận hành khai tác được đào tạo đã được xác định trong dự án theo quy định với tổng kinh phí khoảng 348 triệu USD. Trong đó, doanh nghiệp khai thác vay lại khoảng 340 triệu USD để đào tọa cho 13.880 lượt thực hiện công tác quản lý, vận hành khai thác.
Theo dự thảo tờ trình gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam của Chính phủ, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ có chiều dài khoảng 1.545km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đường đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ tối đa 350km/h.
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.
Tuyến đường tập trung vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Trên toàn tuyến được bố trí 23 ga hành khách với khoảng cách 67km/ga, đặt tại gần khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương.
Theo Chính phủ, hiện trong quy hoạch Hà Nội và TP. HCM đã báo cáo và được Bộ Chính trị cơ bản thống nhất, mỗi địa phương sẽ bố trí 1 ga. Riêng tại Hà Tĩnh, Bình Định và Bình Thuận sẽ bố trí 2 ga/ tỉnh. Điều này đảm bảo chạy tàu với tốc độ khai thác tối đa chiếm 70-80% chiều dài giữa hai ga dừng (cự ly tăng tốc khoảng 7,2km; cự ly giảm tốc khoảng 9,5km).
Ngoài ra, để bảo đảm phục vụ quốc phòng, an ninh, vận chuyển hàng hóa khi có nhu cầu, trên tuyến bố trí 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn. Đặc biệt, trên tuyến dự kiến sẽ xây dựng 5 depot phục vụ khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng tàu khách (tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. HCM) và 4 depot phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu hàng (tại Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa và Đồng Nai).
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có kết cấu 60% cầu, 10% hầm và 30% nền đất.
Chí Bình / Vietnamfinance