Không chỉ dẫn chứng hàng loạt hoạt động “chưa hợp lý” của Vietlott, lãnh đạo nhiều địa phương còn lo lắng nguồn thu ngân sách từ xổ số truyền thống bị sụt giảm.
Đề xuất quản chặt hoạt động của xổ số điện toán được lãnh đạo nhiều tỉnh đề cập tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính chiều 6/1. Trong đó, ông Nguyễn Văn Yên – Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng là một trong những đại diện thẳng thắn chia sẻ nhất.
“Từ khi xổ số điện toán ra đời, các thị trường ở miền Nam loạn hết cả lên. Tôi đã trực tiếp ngồi quán cà phê hỏi các cháu bán vé và phát hiện ra điều này. Đề nghị Bộ Tài chính và các công ty kiểm toán quản lý”, ông Yên nói.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng dẫn chứng một số hoạt động “chưa hợp lý” của xổ số Vietlott. “Xin thí điểm ở 10 tỉnh nhưng mà giờ bán hết ở các tỉnh. Các đại lý in vé số trước hằng tuần, trước cả 3 kỳ số. Thiết bị đầu cuối trở thành máy in vé số. Mệnh giá vé số 10.000 đồng nhưng người đi bán dạo bán 12.000 đồng. Tôi có hỏi, họ nói giá đại lý giao cho họ với giá 11.000 rồi. Tỉnh tôi không có đại lý mà các cháu lại bán được vé. Tôi cho như vậy là sai luật”, ông Yên chia sẻ.
Nhìn nhận loại hình xổ số điện toán nếu quản lý tốt sẽ đem lại lợi ích cho xã hội, trong đó cũng có nguồn thu cho địa phương, nhưng ông Nguyễn Văn Yên vẫn nhấn mạnh cần quản lý việc triển khai.
Dù thời gian phát biểu chỉ vài phút, nhưng đại diện tỉnh Đồng Nai chiều 6/1 cũng tranh thủ dành không ít thời lượng để nói về những khó khăn của xổ số truyền thống khi có sự xuất hiện của Vietlott.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó chủ tịch Đồng Nai cho biết năm nay nguồn thu ngân sách từ xổ số kiến thiết chỉ bằng 96% so với dự toán. Doanh thu xổ số truyền thống giảm, theo ông Hùng, là do sự hoạt động của xổ số điện toán dù loại hình này mới xuất hiện vài tháng.
Thực tế chỉ sau vài tháng hoạt động, Vietlott sắp vượt mặt các công ty xổ số truyền thống về doanh thu. Cuối năm 2016, doanh thu luỹ kế của công ty này ước đạt 1.600 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 8,7 tỷ. Doanh thu của Vietlott ghi nhận trong 6 tháng cuối năm đã tương đương cả năm 2015 của một số đơn vị kinh doanh theo mô hình truyền thống tại các tỉnh như: Hậu Giang, Lâm Đồng hay Bình Thuận (xấp xỉ 1.600 – 1.700 tỷ đồng mỗi đơn vị)…
Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, doanh nghiệp này dự kiến sẽ sớm lọt vào top 10 công ty xổ số đạt doanh thu lớn nhất trên thị trường (doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng), thậm chí có thể đe dọa vị trí dẫn đầu của Xổ số kiến thiết TP HCM – đơn vị đang có doanh thu gần 6.000 tỷ đồng một năm.
Đến hết năm 2016, Vietlott hiện đã triển khai kinh doanh tại 12 tỉnh, thành phố, gồm TP HCM, TP Cần Thơ, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh với hơn 2.000 điểm bán. Dự kiến, hình thức mua vé số tự chọn qua điện thoại sẽ được áp dụng năm nay và mua vé qua internet từ năm 2018.
Thanh Thanh Lan
Theo Vnexpress