Diễn ra vào ngày 16-17/5 tại khách sạn New World Saigon, Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024, được đồng tổ chức bởi Raise Partners và Vietnam Innovators thuộc Vietcetera Media, đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Việt Nam. Sự kiện thu hút đông đảo sự tham gia của các chuyên gia trong ngành và các nhà đầu tư cùng chung tay giải quyết những vấn đề cấp bách do biến đổi khí hậu gây ra và hướng đến một tương lai bền vững hơn.
Đây là lần thứ hai Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam được tổ chức với mục tiêu kết nối các nhà đầu tư, các lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và phi chính phủ trong và ngoài nước. Hội nghị hướng đến việc thúc đẩy các dự án môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG), từ đó xây dựng một tương lai Việt Nam bền bỉ, hòa nhập và thịnh vượng.
Điểm nổi bật của Hội nghị năm nay là hoạt động Kết nối Doanh nghiệp (Networking and Business Matching) – mở ra cơ hội hợp tác tiềm năng giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chuyến đi thực địa dành riêng cho các nhà đầu tư khách mời đã mang đến trải nghiệm thực tế về các hoạt động phát triển bền vững và sáng kiến ESG tại Việt Nam.
Nói về sự kiện năm nay, ông Hảo Trần, CEO của Vietcetera, chia sẻ: “Với chủ đề ‘Xây dựng một tương lai bền bỉ cho Việt Nam’, hội nghị đã tập trung vào các câu hỏi then chốt về những thách thức và giải pháp cho tương lai của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu như: Làm thế nào để tạo ra hệ sinh thái bền vững gắn kết cộng đồng, chính phủ, hệ thống tài chính và cấu trúc xã hội? Làm thế nào để thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp, các chủ thể kinh tế và cộng đồng trong các hoạt động vì con người và hành tinh? Trong hai ngày vừa qua, hội nghị đã mang đến những cuộc đối thoại sâu sắc, góp phần cho hành trình cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.”
Ngoài ra, bà Van Ly, Đối tác tại Raise Partners, nhấn mạnh: “ESG hiện không chỉ được xem là một phần của CSR hay hoạt động tiếp thị nhằm xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Giờ đây, ESG đã trở thành một yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh, quan hệ đối tác pháp lý, hệ thống chứng nhận và tiêu chí đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động củng cố chính sách ESG để đáp ứng yêu cầu quốc tế, từ đó mở ra cánh cửa cho sự tăng trưởng và mở rộng. Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam ra đời với sứ mệnh lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh có tác động mạnh mẽ như một kim chỉ nam hướng đến tương lai bền bỉ.”
Sự kiện năm nay chào đón sự tham gia của các đại diện đến từ các tổ chức hàng đầu trong nước và quốc tế, như Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Đại diện Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Dynam Capital, UNICEF Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam), NordCham Việt Nam, Bosch Việt Nam, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), S&P Global, BIDV, Biti’s và Tổ chức Đầu tư Quốc tế Anh (BII).
Hệ sinh thái bền bỉ: Các lĩnh vực khác nhau cùng chung tay giải quyết vấn đề của khí hậu
Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (net-zero), chấm dứt phá rừng vào năm 2030 và giảm thiểu khí nhà kính. Để thực hiện những cam kết này, Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư lên đến 368 tỷ USD cũng như thúc đẩy các hoạt động quan hệ đối tác công – tư.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và các cơ quan chính phủ nước ngoài đã có những công cụ hỗ trợ tài chính để thực hiện hóa các sáng kiến năng lượng tái tạo và đẩy nhanh triển khai các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút đầy đủ nguồn vốn xanh và thúc đẩy hiệu quả các dự án, cần có các chính sách và định hướng chiến lược rõ ràng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư vững chắc để thúc đẩy dòng vốn đáng kể vào các hoạt động giảm thiểu phát thải carbon. Nhiều dự án trọng điểm, bao gồm phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo cho các khu công nghiệp và dịch vụ, lưới điện thông minh và hệ thống lưu trữ năng lượng, đang cần nguồn tài chính để triển khai và phát triển, góp phần vào đà tăng trưởng của Việt Nam.
Quan điểm của bà Thanh được ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Giám đốc Kho bạc BIDV, đồng tình trong một tọa đàm riêng. Là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai khung tín dụng bền vững, sáng kiến tài chính xanh của BIDV đã tiếp cận hơn 1.300 khách hàng và dự án chỉ trong năm 2023, với tổng dư nợ cuối năm đạt 2,68 tỷ USD. Điều này cho thấy rõ vai trò quan trọng của các ngân hàng trong việc thu hẹp khoảng cách tài chính bền vững tại Việt Nam.
Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, lộ trình chuyển đổi năng lượng và mô hình đầu tư hiệu quả cần sự chung tay hợp tác của cả khu vực công và tư, vì mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực hợp tác, tận dụng thế mạnh và nguồn lực từ cả hai phía. Ông Evans khẳng định cam kết của HSBC trong việc đồng hành cùng chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và quốc gia, yếu tố then chốt nằm ở vai trò lãnh đạo và khả năng chuyển đổi các giá trị thành những hoạt động thực tiễn một cách có chiến lược. Theo bà Quyên Vưu, Giám đốc điều hành Biti’s: “Việc xây dựng một chiến lược ESG hiệu quả không chỉ đơn giản là đặt ra mục tiêu. Để đạt được thành công lâu dài, chiến lược này cần được xây dựng dựa trên nền tảng giá trị lãnh đạo của tổ chức và được triển khai trên toàn bộ các cấp trong doanh nghiệp.”
Điều này cũng áp dụng cho cả các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm đến 98% số doanh nghiệp tại Việt Nam. Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, việc tiếp cận các công cụ, nguồn lực hỗ trợ tài chính và chuẩn bị cho tương lai là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh những vấn đề kinh doanh, đầu tư vào con người và thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình chuyển đổi năng lượng là một yếu tố quan trọng khác để thúc đẩy thực hiện các nguyên tắc ESG. Các đối tác tư nhân và tổ chức chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho tất cả người Việt Nam, xây dựng một xã hội bao dung hơn, trao quyền cho mọi cá nhân phát triển và đóng góp vào phát triển bền vững.
Các tổ chức giáo dục như Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) có trách nhiệm to lớn trong việc bồi dưỡng tư duy bền vững cho thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước. BUV đã và đang tích hợp các nguyên tắc xanh vào nền tảng giáo dục, kiến trúc, kế hoạch mở rộng, hoạt động và chương trình giảng dạy. Theo bà Thủy Nguyễn, Giám đốc Điều hành Cấp cao BUV, mọi hoạt động của trường đều ưu tiên các yếu tố môi trường, hướng đến mục tiêu trở thành trường đại học trung hòa carbon đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, sứ mệnh cao cả hơn của BUV là đào tạo một thế hệ trẻ có ý thức về trách nhiệm xã hội và môi trường, những người sẽ góp phần thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam.
Chuỗi cung ứng bền vững: Chìa khóa để Việt Nam nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
Là trung tâm sản xuất và nông nghiệp lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại quốc tế. Do đó, các chiến lược và thách thức về khí hậu của Việt Nam cũng tác động đáng kể đến các sự kiện kinh tế và địa chính trị bên ngoài.
Chuỗi cung ứng Việt Nam đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu. Lũ lụt, bão ngày càng gia tăng gây gián đoạn vận chuyển, tàn phá cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng hoạt động sản xuất. Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành tại Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất và nông nghiệp ưu tiên xây dựng khả năng phục hồi và áp dụng các biện pháp mang tính bền vững để đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động tốt trước tác động của mọi trường. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp như nâng cấp cơ sở hạ tầng, đa dạng hoá nguồn cung, triển khai biện pháp thích ứng và nâng cao năng lực lao động.
Theo ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital và ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Hội đồng Doanh nghiệp vì Sự phát triển Bền vững Việt Nam, đầu tư vào nguồn nhân lực là chìa khóa để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cũng như đảm bảo tăng trưởng bền vững và khả năng thích ứng trước những thách thức đang diễn ra.
Ông Craign Martin cho biết thêm: “Mặc dù Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các công ty toàn cầu nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, song cần nhiều nỗ lực cần thiết để đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất thực thụ và tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng giá trị cao trên toàn cầu. Chúng ta cần ưu tiên đầu tư vào hiện đại hóa và xanh hóa khu công nghiệp, quản lý thông minh các cơ sở ESG, nâng cao chất lượng nghiên cứu phát triển và năng lực nguồn nhân lực.”
Ông Huân Lê, Tổng cố vấn Pháp lý của Rainscales, đồng tình rằng kỹ năng và hiệu quả của lực lượng lao động đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Trong phiên thảo luận về chủ đề xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật số và xanh do Giáo sư Rick Bennett từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam điều phối, ông Huân đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục để đào tạo đội ngũ lao động đa năng, am hiểu công nghệ và có ý thức bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp vốn đang biến đổi không ngừng.
Với vai trò quan trọng của phụ nữ trong chuỗi cung ứng, đặc biệt ở các ngành may mặc và giày dép, việc thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, lãnh đạo và ra quyết định là điều cần thiết. Bà Anjanette Saguisag, Trưởng phòng Chính sách Xã hội và Quản trị của UNICEF Việt Nam, đề xuất các sáng kiến hỗ trợ phụ nữ và con của họ, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phúc lợi xã hội. Khi được tích hợp hiệu quả vào mô hình kinh doanh và văn hóa làm việc, những sáng kiến này sẽ góp phần khai thác tiềm năng của các phụ nữ, không chỉ trong công việc mà còn trong toàn xã hội, đồng thời phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và đảm bảo tương lai công bằng và bền bỉ hơn cho tất cả mọi người.
Hội nghị Nhà đầu tư ESG Việt Nam 2024 đã diễn ra thành công với sự đồng hành của các nhà tài trợ và đối tác, gồm Dynam Capital và Quỹ Đầu Tư Vietnam Holding (nhà tài trợ chính), Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (đối tác chính phủ hàng đầu), Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam, HSBC Việt Nam (nhà tài trợ), Khách sạn New World Saigon (nhà tài trợ địa điểm), Vero (đối tác truyền thông), Marou, Cricket One và Every Half Coffee (nhà tài trợ hiện vật).
Đăng Hải / Thị Trường Giao Dịch