Sau hơn 1 năm cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, Ấn Độ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm này. Ngay lập tức, giá gạo Thái Lan lao dốc về mốc thấp nhất năm, trong khi giá hàng Việt vẫn vững top đầu thế giới.
Tháng 7/2023, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng non-basmati. Sau đó một tháng, quốc gia này lại áp thuế 20% lên gạo đồ xuất khẩu.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng và áp thuế với gạo đồ của Ấn Độ đã tác động mạnh tới thị trường gạo trên toàn cầu, đẩy mặt hàng này vào cơn sốt giá thứ hai trong lịch sử. Giá gạo Việt Nam, Thái Lan… đồng loạt tăng mạnh và lập những kỷ lục mới.
Kết thúc năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục lịch sử khi thu về gần 4,68 tỷ USD. Giá gạo 5% xuất khẩu của Việt Nam lập đỉnh 663 USD/tấn – mức đắt đỏ nhất trong top các quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Thế nhưng, sau hơn một năm, Tổng cục Ngoại thương – Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ký quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati từ ngày 28/9. Điều kiện đi kèm là giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn.
Nhiều năm nay, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới, chiếm đến 40% thị phần trên toàn cầu. Thế nên, giới chuyên gia nhận định việc Ấn Độ “mở kho” bán hàng sẽ ảnh hưởng đến thương mại gạo toàn cầu, trong đó các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Việt Nam, Pakistan…
Thực tế, động thái Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm đã được đồn đoán trước đó. Giá gạo trên thị trường thế giới cũng hạ nhiệt dần.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch ngày 27/9 (trước ngày Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 562 USD/tấn, hàng cùng loại của Thái Lan ở mức 567 USD/tấn, còn gạo của Pakistan có giá 532 USD/tấn.
Đến ngày 1/10, giá gạo Thái Lan giảm mạnh còn 540 USD/tấn – mức thấp nhất trong vòng 14 tháng qua; gạo Pakistan cũng giảm còn 517 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Việt Nam giảm nhẹ về mức 557 USD/tấn. Với mức giá ở thời điểm hiện tại, gạo Việt Nam vẫn đắt đỏ nhất trong top các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới.
Theo các doanh nghiệp, trong 9 tháng qua Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo. Lượng hàng dành cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm không còn nhiều, đặc biệt là một diện tích lúa rất lớn ở miền Bắc vừa bị thiệt hại do bão lũ. Trong khi, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước Philippines và Indonesia… vẫn rất lớn.
Thế nên, trước mắt giá gạo Việt sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều khi Ấn Độ “mở kho” bán hàng trở lại.
Còn về dài hạn, phải chờ thêm các động thái xuất khẩu của Ấn Độ. Các doanh nghiệp Việt cũng đang theo dõi thị trường, tính toán hàng tồn kho để cân đối với các đơn hàng xuất khẩu cần trả trong những tháng cuối năm nay.
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết nhu cầu gạo thế giới duy trì ở mức cao, gạo xuất khẩu của Ấn Độ tập trung ở phân khúc khác gạo Việt Nam nên ảnh hưởng không lớn.
Theo ông, trước khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu, Việt Nam đã sản xuất hơn 43 triệu tấn lúa/năm và xuất khẩu trên dưới 7 -7,5 triệu tấn gạo vẫn không xảy ra dư thừa cũng không ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước. Do vậy, trong năm tới kế hoạch gieo trồng lúa vẫn ổn định trên 7 triệu ha, sản lượng khoảng trên 43 triệu tấn.
Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, quan điểm phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam là không chạy theo thị trường, tập trung nâng cao chất lượng và đẩy mạnh thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL đến năm 2030 để nâng tầm gạo Việt, đồng thời phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, thu về 4,37 tỷ USD chỉ trong 9 tháng năm 2024. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu tăng 9,2%, còn giá trị tăng mạnh 23,5%. Giá xuất khẩu gạo Việt trung bình trong 9 tháng năm nay ở mức 624 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tiểu Vy / Vietnamfinance