Trên trang The-M-Dash, tạp chí điện tử dành cho nữ giới, Rachel có bài viết chia sẻ về kinh nghiệm nộp đơn (apply) để được nhận vào một trường kinh doanh ở Mỹ.
Rachel Truair là một marketer, nhà văn người Mỹ. Cô đã được nhận và sẽ bắt đầu khóa học thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Texas Executive từ đầu năm 2016. Đây là những thông tin bổ ích cho những người đang có kế hoạch nối dài con đường học tập của mình cho mục đích kinh doanh.
Theo Rachel Truair, có 5 điều bạn không thể tìm thấy trong bất cứ văn bản hướng dẫn chính thức nào khi bạn đăng ký vào một trường kinh doanh ở Mỹ.
1. Bài phỏng vấn của trường kinh doanh thường về việc sẽ học như thế nào hơn là về những thứ bạn biết.
Nếu đã tới được vòng phỏng vấn trong quá trình đăng ký nhập học, khả năng cao là ngôi trường bạn theo đuổi sẽ rất hứng thú với lý lịch cũng như kinh nghiệm của bạn. Họ muốn biết bạn sẽ ứng dụng những điều đã học vào việc giải quyết các vấn đề trong trường như thế nào.
Vì thế hãy cứ là bản thân mình và coi buổi phỏng vấn là cơ hội để bạn phô trương cách mà bộ não của bạn hoạt động. Hãy nhớ rằng: Nếu việc là chính bạn gây khó chịu cho nhóm phỏng vấn thì ngôi trường đó có lẽ cũng không phù hợp đối với bạn.
2. Những ứng viên khác cũng sẽ lo sợ không biết phải ăn mặc thế nào cho phù hợp.
Trước khi vào học tại trường kinh doanh, tôi thường thức dậy lúc nửa đêm suy nghĩ về điều bí ẩn chưa có lời giải đáp: Đồ công sở thoải mái và tự tin hay trịnh trọng và lịch sự. Nếu điều này xảy ra, đừng lo, vì bạn không phải là người duy nhất.
Một khi đã vào được trường kinh doanh, sẽ có người để bạn tham khảo khi ở trong tình trạng “Tôi phải mặc cái gì bây giờ?”. Nhưng đối với cuộc phỏng vấn, tốt nhất là bạn nên có vẻ ngoài đơn giản và thoải mái.
3. Không ai quan tâm điểm GMAT khi bạn đã được chấp nhận
Tất nhiên, nếu bạn đang đăng ký vào một hãng tư vấn lớn, điểm GMAT có thể sẽ được lấy ra đánh giá. Nhưng các giáo sư và những người khác trong đội ngũ phỏng vấn muốn tìm hiểu về bản thân bạn nhiều hơn là về điểm số. Một khi đã được cho qua, đương nhiên là bạn đã được chấp nhận.
4. EQ quan trọng tương đương IQ
Nếu bạn vẫn nghi ngờ về trí thông minh của mình, hoặc việc cho chạy chương trình phân tích hồi quy làm bạn cảm thấy lo lắng, đừng lo, vì trí tuệ xúc cảm (Emotional Intelligence – EQ) của bạn cũng quan trọng tương tự trí tuệ thật sự của bạn vậy.
Cách mà bạn xử lý các tình huống khó khăn, khả năng hợp tác và kết nối với mọi người, và sự tự nhận thức cũng sẽ được đánh giá thường xuyên như những kỹ năng tính toán của bạn. Và một vài tin tốt hơn nữa: Các nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ thường có điểm số EQ nhỉnh hơn một chút so với với nam giới, vì thế nhiều khả năng bạn sẽ vượt qua họ trên bảng điểm.
5. Bạn sẽ vẫn có “cuộc sống riêng” trong trường kinh doanh
Khi tôi đang đăng ký vào trường kinh doanh, có rất nhiều cuộc bàn luận về cân bằng công việc và cuộc sống. Tôi đã hoàn toàn chuẩn bị tinh thần là sẽ không được gặp chồng và đầu tư toàn bộ thời gian cho việc học. Sự thật là bạn vẫn sẽ – và bạn nên – dành thời gian cho những việc sẽ mang lại cho bạn niềm vui.
Hãy chọn một vài ưu tiên ngoài việc học hành và dành thời gian cho chúng, tập luyện cho một cuộc thi thể thao, hoặc đi du lịch nước ngoài. Cũng có thể bạn sẽ giao lưu nhiều với những người bạn mới hoặc học được một sở thích mới trong trường.
Lớp học và bài tập về nhà chỉ là những mối ràng buộc tạm thời, nhưng tìm kiếm sự hoàn thiện trong bản thân là một thói quen suốt đời. Đừng đợi đến khi đã tốt nghiệp trường kinh doanh mới bắt đầu điều đó.
Taylor Nguyen
Theo Doanh Nhân Sài Gòn