Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM vừa ký 82 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, nhân viên và giảng viên của trường, đồng thời trường thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động 26 cán bộ, giảng viên còn lại.
Trước sự việc này, nhiều cán bộ, giảng viên của trường đã gửi đơn khiếu nại, kêu cứu khắp nơi.
Cho nghỉ vì lo trường bị đóng cửa!
Trước đó, ngày 10-12-2015, ông Đặng Thành Tâm – nguyên chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM – ký văn bản gửi Đảng ủy, ban chấp hành công đoàn Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM về việc thực hiện phương án sử dụng lao động.
Theo văn bản này, ông Tâm cho biết Trường ĐH Hùng Vương đã bốn năm không được tuyển sinh, không có sinh viên, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động. Hiện trường không còn nguồn thu, thu không đủ bù chi kéo dài dẫn đến lỗ nặng, thâm hụt trầm trọng vốn pháp định do cổ đông đầu tư.
Do vậy, chủ tịch HĐQT đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM cho phép tiến hành đại hội đồng cổ đông nâng vốn điều lệ, để chuẩn bị cơ sở vật chất theo quy định và công nhận HĐQT thì trường mới có cơ hội tồn tại và phát triển. Nếu không được tổ chức đại hội đồng cổ đông thì không thể góp vốn thêm theo luật.
Với tình hình khó khăn của trường như vậy, chủ tịch HĐQT giao cho phó hiệu trưởng thường trực điều hành nhà trường chủ trì chỉ đạo các đơn vị chức năng lập phương án sử dụng lao động, và phối hợp với công đoàn trường để thực hiện theo đúng quy định pháp luật lao động, trên tinh thần tự nguyện, đúng luật và thực tế hoàn cảnh nhà trường.
Nhà trường cam kết thực hiện đúng quy định pháp luật lao động và chi trả các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc cho người lao động của trường theo phương án sử dụng lao động.
Cũng theo văn bản này, đối với những người hết hạn hợp đồng lao động, không có hợp đồng lao động, đến tuổi về hưu, quá tuổi quản lý theo quy định của trường thì nhà trường chấm dứt hợp đồng lao động và thanh toán các chính sách theo pháp luật lao động.
Đối với hợp đồng chưa tới hạn và hợp đồng không xác định thời hạn, nhà trường sẽ thanh lý hợp đồng lao động và thanh toán đầy đủ chế độ, chính sách theo pháp luật lao động quy định, để tránh trường hợp khi trường không được cho hoạt động giáo dục đào tạo nữa thì không ảnh hưởng đến quyền lợi… vì lúc ấy trường sẽ không có tiền chi trả, thiệt thòi cho người lao động.
Một ngày ký 79 quyết định chấm dứt hợp đồng
Nhà trường xác lập phương án sử dụng lao động bao gồm: đội ngũ nòng cốt để đảm bảo duy trì hoạt động trường diễn ra bình thường theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trường hợp tự nguyện làm việc tiếp sẽ được chuyển sang Công ty CP đầu tư phát triển Trường ĐH Hùng Vương. Sau khi trường được tuyển sinh trở lại thì xem xét quay về trường công tác…
Sau đó vào ngày 13-1, ông Đặng Thành Tâm tiếp tục ký văn bản gửi bà Tạ Thị Kiều An, phó hiệu trưởng thường trực điều hành hoạt động nhà trường, yêu cầu bà Kiều An chỉ đạo trưởng, phó phòng tổ chức pháp chế thực hiện: “Mời người lao động tự nguyện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước khi thực hiện phương án. Người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động vẫn được hưởng trợ cấp theo quy định, như trường hợp trợ cấp theo phương án sử dụng lao động.
Sau khi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, nhà trường sẽ phối hợp Công ty CP Đầu tư phát triển Trường ĐH Hùng Vương ký hợp đồng lao động. Ngoài những cá nhân tự nguyện thỏa thuận, những cá nhân khác sẽ thực hiện theo phương án sử dụng lao động mà nhà trường thực hiện theo pháp luật”.
Tiếp theo đó ngày 19-1, bà Tạ Thị Kiều An ra thông báo đến toàn thể cán bộ nhân viên, giảng viên cơ hữu của trường về việc chấm dứt hợp đồng lao động, với nội dung theo chủ trương nêu trên của chủ tịch HĐQT.
Đến ngày 28-1, bà An tiếp tục ra thông báo khẩn, cho biết từ ngày 25 đến 27-1 phó hiệu trưởng thường trực và lãnh đạo phòng tổ chức pháp chế đã tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ nhân viên của trường…
Và đến 11g30 ngày 28-1 đã có 79/105 cán bộ nhân viên, giảng viên cơ hữu của trường tự nguyện ký thỏa thuận, còn 26 người chưa ký thỏa thuận với lý do khác nhau.
Bà Kiều An cũng cho biết chủ tịch HĐQT chỉ đạo cho người lao động tiếp tục tự nguyện đăng ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, thực hiện đến 10g ngày 29-1. Sau thời gian trên, nhà trường sẽ chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Chỉ trong ngày 25-2, ông Đặng Thành Tâm với tư cách chủ tịch HĐQT nhà trường đã ký 79 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó có bà Tạ Thị Kiều An, bà Nguyễn Thị Mai Bình – bí thư Đảng ủy nhà trường, ông Mạch Trần Huy – phó phòng tổ chức pháp chế… Theo đó, có 78 người sẽ thôi việc từ ngày 5-4 và một người đã thôi việc ngày 20-1.
Trước đó ngày 22-2, ông Tâm cũng đã ký ba quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với người cao tuổi gồm: ông Nguyễn Mộng Giao – phó hiệu trưởng, ông Vũ Văn Nhỡ – trưởng phòng hành chính tổng hợp (thôi việc kể từ ngày 27-2) và ông Trịnh Vũ Dũng – chủ tịch công đoàn cơ sở, trưởng ban trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề (thôi việc từ ngày 2-3).
“Nhầm lẫn giữa Luật doanh nghiệp và Luật giáo dục ĐH”
Ông Nguyễn Phước Hiền – trưởng phòng tổ chức pháp chế nhà trường – bức xúc: “Ông Đặng Thành Tâm không còn đủ tư cách pháp lý để ký phương án sử dụng lao động, vì từ ngày 15-6-2015 ông Tâm không còn quyền làm chủ tịch HĐQT của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM. Hơn nữa ông Tâm cũng không phải là người sử dụng lao động của trường. Việc ông ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ, giảng viên là trái pháp luật”.
Tương tự, nhóm cán bộ giảng viên chưa ký thỏa thuận cũng cho biết: “Chúng tôi không đồng ý, vì người ra thông báo chỉ đạo thực hiện việc này không đúng thẩm quyền!”.
Theo ông Trịnh Vũ Dũng, luật quy định rất rõ, ba tháng một lần người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại với người lao động để thông báo tình hình của đơn vị mình có thuận lợi, khó khăn gì. Từ đó mới xây dựng phương án sử dụng lao động và thỏa thuận với người lao động. Nhưng ông Tâm lại yêu cầu người lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động.
“Hiện nay thời hạn nhiệm kỳ HĐQT nhà trường đã hết, lẽ ra ông Tâm muốn ra quyết định gì phải sử dụng nghị quyết của HĐQT. Còn đây ông Tâm tự mình quyết định. Ông Tâm nhầm lẫn giữa Luật doanh nghiệp và Luật giáo dục ĐH. Những điều kiện mà thành phố và bộ yêu cầu trường khắc phục không phải là bất khả kháng, để ông Tâm buộc phải cho toàn bộ người lao động nghỉ việc” – ông Dũng nói.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Mộng Giao, ngay cả khi còn là chủ tịch HĐQT nhà trường, ông Đặng Thành Tâm cũng không có thẩm quyền ký những giấy tờ trên, vì đây là quyền của hiệu trưởng, người sử dụng lao động theo quy định của Luật giáo dục ĐH.
Thực hiện theo quy trình chặt chẽ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Trúc Lam – thư ký HĐQT nhà trường – cho rằng theo quy định của pháp luật, HĐQT cũ vẫn hoạt động trong thời gian chờ HĐQT mới được bầu.“Thực tế, theo quyết định của Bộ GD-ĐT, nhiệm kỳ của HĐQT trường đến tháng 6-2015, nhưng sau thời điểm đó nếu không ai điều hành thì ai có thể chi trả lương, thuế…
Ở trường tư, cổ đông mới là người có toàn quyền trong mọi việc. Người đứng đầu HĐQT vẫn là ông Tâm. Trong thời gian trường chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông, ông Tâm có ủy quyền của đa số cổ đông ủy quyền điều hành trường.
Ông Tâm đã báo cáo bằng văn bản lên Thành ủy, UBND TP.HCM trước khi thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy trình chặt chẽ” – ông Lam khẳng định.
Ông Mạch Trần Huy cũng cho biết nhà trường đã thuê công ty tư vấn luật thực hiện phương án sử dụng lao động theo đúng pháp luật.
“Trong quy định Luật lao động nêu rõ: người đứng đầu đơn vị, tổ chức, cá nhân là người sử dụng lao động, ký kết hợp đồng với người lao động. Hiện tại Trường ĐH Hùng Vương đang khuyết người đại diện pháp luật do chưa có hiệu trưởng. Còn người đứng đầu của trường đương nhiên là chủ tịch HĐQT. Như vậy, người sử dụng lao động hiện nay là ông Đặng Thành Tâm” – ông Huy nói.
Trao đổi lại thông tin một số nhân viên, giảng viên cho rằng việc lãnh đạo nhà trường thực hiện phương án sử dụng lao động không thông qua công đoàn trường, theo ông Huy, đại diện tập thể lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ là ban chấp hành công đoàn (gồm bốn người) chứ không phải cá nhân chủ tịch công đoàn.
“Ngày 14-12-2015, lãnh đạo trường đã có cuộc họp với ban chấp hành công đoàn (có lãnh đạo phòng tổ chức). Tại cuộc họp này, ban chấp hành cho rằng nếu nhà trường làm đúng luật thì công đoàn ủng hộ. Đảng ủy, Đoàn thanh niên trường cũng có công văn gửi lãnh đạo trường ủng hộ phương án sử dụng lao động” – ông Huy cho biết.
Thành lập ngày 14-5-1995 theo quyết định số 470/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM hoạt động theo mô hình trường dân lập.
* Ngày 10-7-2006, ông Lương Ngọc Toản – chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM – ký quyết định thành lập Công ty CP đầu tư phát triển ĐH Hùng Vương trực thuộc Trường ĐH dân lập Hùng Vương.
* Ngày 19-5-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 703/QĐ-TTg chuyển Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM từ loại hình dân lập sang loại hình trường tư thục.
* Năm 2012, trường bị thanh tra toàn diện. Kết luận thanh tra cho thấy trường có nhiều sai sót về tài chính, bổ nhiệm cán bộ. Ông Đặng Thành Tâm bị tạm đình chỉ chức vụ chủ tịch HĐQT, ông Lê Văn Lý bị tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng.
* Tháng 3-2012, Bộ GD-ĐT ra quyết định ngừng tuyển sinh đối với Trường ĐH Hùng Vương. Việc đình chỉ tuyển sinh kéo dài đến nay.
* Tháng 6-2013, UBND TP.HCM ra quyết định không công nhận hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương đối với ông Lê Văn Lý. Ông Lý kiện quyết định hành chính này ra tòa và bị xử thua kiện. Từ thời điểm này, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM không có hiệu trưởng, chỉ bổ nhiệm hiệu trưởng tạm quyền.
* Ngày 16-3-2015, HĐQT Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM gửi tờ trình đến UBND TP.HCM đề nghị công nhận hiệu trưởng của nhà trường đối với ông Bế Nhật Dục. Tuy nhiên UBND TP.HCM không công nhận, vì cuộc họp HĐQT chưa đủ tỉ lệ biểu quyết theo quy định.
Trần Huỳnh
Theo Tuổi Trẻ