Eddy Relova từng bán hàng trên phố để mưu sinh, nhưng giờ anh đã có thể đeo những trang sức đắt tiền và dùng bữa ở một nhà hàng sang trọng tại thủ đô Hanava.
Khi Chính phủ Cuba dần nới lỏng kiểm soát nền kinh tế, quốc đảo này bắt đầu có sự xuất hiện của một tầng lớp thượng lưu mới, ở nơi mà trước đây sự giàu có vốn là điều cấm kỵ. Giờ đây Relova (23 tuổi) đã có thể kinh doanh trang sức, và trở thành một trong những đại gia Cuba mới nổi. “Nếu công việc của anh bị nhà nước kiểm soát, anh sẽ chẳng giàu lên được”, Relova chia sẻ.
Trước đây, chỉ một bộ phận nhỏ sĩ quan quân đội, giảm đốc công ty quốc doanh, nhân viên du lịch và nghệ sĩ là có đủ tiền mua ôtô hay quần áo hàng hiệu. Nhưng kể từ khi ông Raul Castro lên nắm quyền năm 2008 và dần dần mở cửa nền kinh tế, Hanava đã bắt đầu xuất hiện những quán bar và nhà hàng cao cấp.
“Nhà hàng này ngày càng đông khách. Có lẽ là vì giờ đây nhiều người đã có thể làm việc cho chính mình và kiếm đủ tiền để tới những nơi như thế này”, ông Ernesto Blanco (47 tuổi) – chủ nhà hàng La Fontana đang rất được ưa chuộng ở phía tây Havana cho biết.
Chính phủ vẫn đang kiểm soát tới 80% hoạt động kinh tế tại Cuba. Nhưng 20% còn lại cũng đủ giúp nhiều người Cuba giàu lên.
“Tinh thần khởi nghiệp tại đây vài năm qua đã tăng lên rõ rệt”, Daybell Panellas – nhà tâm lý học tại Đại học Havana nhận xét. Nghiên cứu của ông cho thấy khoảng nửa triệu người đang làm việc trong lĩnh vực tư nhân và nộp thuế thu nhập cho Nhà nước. Những người có thu nhập cao nhất là chủ nhà hàng, thợ cơ khí, chủ nhà đất cho thuê và chủ thầu xây dựng.
Raul (36 tuổi) thừa nhận kiếm được nhiều hơn trước từ khi làm tài xế taxi tư nhân. “Điều kiện sống của chúng tôi được nâng cao. Chúng tôi có thể mua những món đồ đắt tiền hơn và đi du lịch thường xuyên hơn”, Raul chia sẻ khi dùng bữa với vợ tại nhà hàng La Fontana. Trên người vợ anh là hàng tá trang sức vàng lấp lánh. Tuy vậy, họ từ chối tiết lộ tên đầy đủ và thu nhập cụ thể.
Dù vậy, trên thực tế, nhiều người Cuba vẫn chưa dám thể hiện sự giàu có của mình ra ngoài. Một vài người phải đợi đến đêm tối để ra ngoài mua sắm, tránh hàng xóm dị nghị.
“Dân Cuba nhìn chung vẫn không thiện cảm với nhà giàu”, Panellas cho hay. Dù giàu thế này vẫn chưa là gì so với ở các nước phát triển, khả năng diễn ra xung đột xã hội vẫn rất cao.
Jose Raul Colome có một nhà hàng ở trung tâm Hanava, phục vụ khoảng 120 thực khách mỗi ngày. Anh cho biết mình luôn cố gắng chia sẻ sự giàu có của mình với hàng xóm xung quanh để tránh bị thù ghét. Ngoài ra, anh còn cung cấp việc làm cho người quen bất cứ khi nào có thể.
Hiện mức lương bình quân mỗi tháng tại quốc đảo này vẫn chưa vượt quá 20 USD. “Việc mở cửa cho khu vực tư nhân đã làm tăng bất bình đẳng trong xã hội do nới rộng khoảng cách thu nhập. Tinh thần đoàn kết và các giá trị vẫn không bị mai một. Nhưng người ta cũng đang dần nhận ra đồng tiền có năng lực như thế nào”, Panellas nhận xét.
Theo Vnexpress