Cứ bảo, không muốn tốn kém thì phải biết “trơ mặt”, từ chối lời mời từ những người không thân thiết, những người chỉ giữ ở mức quan hệ xã giao, nhưng có ai là không biết, người Việt mình hay có tính nhớ lâu thù dai…
Tôi năm nay 34 tuổi, 5 – 6 năm trước, gia đình tôi cũng khó khăn, 2 vợ chồng làm nhà nước, lương không đủ tiêu, lại nuôi 2 con nhỏ. Chúng tôi cũng bảo nhau, hạn chế đi đình đi đám. Chỉ những đám cần thiết, thân thiết, chúng tôi mới có mặt.
Năm ấy, đám cưới cậu bạn học chung cấp 3 với tôi. Cậu ta không thân nhưng vì hồi cưới tôi, cậu ấy có mặt và mừng tôi 50 nghìn. Vì thế, đến đám cưới của mình cậu ấy cũng gọi mời tôi.
Thế nhưng, thời điểm cậu ấy mời, tôi thực sự khó khăn, tiền không có 1 xu trong túi. Vì thế, tôi không về được, cũng không có ai để gửi mừng.
Thế mà, sau vụ đó, cậu ấy thù tôi. Lớp tôi họp lớp, tôi gặp lại cậu ấy, chào hỏi nhưng cậu ta cũng chỉ cười cười rồi lảng đi chỗ khác, thân mật với những bạn khác.
Sau đó 1 vài năm, bố chồng tôi bị ốm, biết cậu ấy là bác sĩ ở bệnh viện mà bố chồng tôi đang nằm nên tôi gọi điện nhờ. Thế mà cậu ấy từ chối thẳng thừng, bảo, cậu ấy đã về nhà, không giúp được. Tôi bất ngờ lắm, nhưng đành thôi vì đoán cậu ấy vẫn giận mình từ vụ không mừng đám cưới.
Thêm 1 chuyện khác, chuyện này ảnh hưởng nhiều đến mức tôi cứ ân hận, và ước, giá như ngày đó, tôi chả tiếc mấy đồng, tôi cứ vay mượn mà đi đám cưới thì có lẽ bây giờ tôi đã không vất vả thế.
Chẳng là, ngày đó, cơ quan tôi rất đông người, cả cơ quan có đến mấy trăm người. Lương chúng tôi thì thấp. Vì thế, các đám mời trong cơ quan, tôi đều cân nhắc. Chỉ những người cùng phòng với mình tôi mới đi. Còn lại, tôi phải tính.
Năm đó, 1 chị cũng là chuyên viên bình thường mời tôi đến dự đám cưới của con chị. Nghĩ không phải chỗ thân thiết, cũng chẳng cùng phòng, lại càng không phải sếp nên tôi không đi, cũng không gửi mừng.
Ai ngờ, sau vụ đó, chị ấy giận. Giáp mặt nhau, chị ấy cũng bơ tôi đi như chưa hề quen biết. 2 năm sau, cơ quan có sự thay đổi lớn. Từ một nhân viên bình thường, chị ấy được chuyển thành phó phòng, rồi trưởng phòng.
Và không may cho tôi, ấy là, tôi lại bị điều chuyển về làm nhân viên của chị ấy.
Từ đó, tôi khốn khổ vì liên tục bị đì. Chị ấy giao cho tôi tất cả những việc lặt vặt, nhưng việc gì chị ấy cũng không ưa. Mọi người trong phòng bình chọn cho tôi là chuyên viên xuất sắc, chị ấy cũng gạt đi. Mọi người bình bầu cho tôi vào Đảng, chị ấy cũng gạch khỏi danh sách…
Chị ấy khiến tôi chán nản đến mức không còn động lực để làm việc nữa…
Vì thế, tôi nghĩ rằng, phương án “trơ mặt” không phải là phương án hữu hiệu nhất. Bởi người Việt mình thường có tính nhớ lâu thù dai. Mà cuộc đời thì không thể biết trước, có thể hôm nay không thân, nhưng ngày mai không phải không có việc cần đến nhau.
Theo tôi, cái quan trọng là những người mời đám cưới, trước khi mời, nên cân nhắc, tránh tình trạng mời rộng rãi đến những người chỉ ở mức độ quen biết để không làm khó nhau.
Thảo Hiền
Theo Vietnamnet