Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, tăng cả quy mô dân số và diện tích tự nhiên, đại biểu Quốc hội đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh.
Ngày 14/5, trong phiên thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra các góp ý đáng chú ý liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền và cơ chế phân cấp – phân quyền giữa các cấp hành chính. Các ý kiến đều nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn quản lý, tăng cường tính chủ động và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của chính quyền địa phương.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh. Lý do, theo ông Hòa, là trong thời gian tới, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ khiến một số tỉnh có thể sáp nhập với nhau, kéo theo quy mô về diện tích và dân số đều tăng mạnh. Khối lượng công việc phát sinh do đó cũng sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện tại.

Ông Hòa cho rằng với thực tế đó, bộ máy lãnh đạo chính quyền địa phương cần được gia cố để đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều hành và giải quyết công việc. Việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND và UBND cấp tỉnh là cần thiết để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Liên quan đến quy định cho phép UBND cấp xã được thành lập Trung tâm hành chính công, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nên xem xét lại chủ trương này. Theo ông, không nên thành lập Trung tâm hành chính công riêng lẻ tại từng xã, mà nên xây dựng mô hình Trung tâm hành chính công liên khu vực trực thuộc UBND cấp tỉnh để tăng tính hiệu quả và tránh lãng phí nguồn lực.
Ông lấy ví dụ về mô hình đang triển khai hiệu quả tại Hà Nội. Việc mỗi xã đều thành lập trung tâm hành chính công riêng biệt là không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều xã quy mô nhỏ hoặc không thuộc diện sáp nhập. Mô hình phân tán sẽ khiến nguồn lực đầu tư bị dàn trải, hiệu quả không cao.
Góp ý vào nội dung phân cấp – phân quyền trong dự thảo luật, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đánh giá cao việc dự thảo đã thể hiện tinh thần trao quyền cho chính quyền địa phương và đề cao trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp xã, phường.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cảnh báo rằng việc phân quyền chỉ phát huy hiệu quả khi đi kèm với các cơ chế kiểm soát quyền lực rõ ràng. Theo đó, cần bổ sung quy định bắt buộc về công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương, đặc biệt là với các quyết định liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư công những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó, ông Trịnh Xuân An đề nghị tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách và củng cố năng lực giám sát của HĐND, nhất là ở cấp địa phương. “Khối lượng nhiệm vụ của UBND cấp xã là rất lớn. Nếu không có sự giám sát hiệu quả từ HĐND, nhất là khi thiếu các đại biểu chuyên trách, thì khó có thể đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả và đúng pháp luật trong thực thi quyền lực nhà nước”, ông nói.
Góp ý về giải quyết vấn đề liên quan nhiều đơn vị hành chính
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) tập trung góp ý vào nội dung tại điểm G khoản 2 Điều 11 của dự thảo luật, quy định việc phân định thẩm quyền giải quyết các vấn đề hành chính khi có từ hai đơn vị hành chính trở lên liên quan.
Theo dự thảo, nếu vấn đề xảy ra liên quan từ hai đơn vị hành chính cấp cơ sở trở lên, thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh. Nếu liên quan từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, thì thẩm quyền sẽ thuộc cơ quan nhà nước ở Trung ương trừ khi luật hoặc nghị quyết Quốc hội quy định khác.
Đại biểu Dũng cho rằng quy định như vậy là chưa hợp lý và có thể gây nhiều phiền toái trong thực tiễn. Ông đưa ví dụ: hai xã liền kề nhưng thuộc hai tỉnh khác nhau, nếu phát sinh mâu thuẫn về môi trường như khói bụi, sạt lở sông do công trình kè thì sẽ phải báo cáo lên Trung ương. Việc này không chỉ làm chậm tiến độ xử lý mà còn tốn kém về thời gian, nhân lực và chi phí. Trong khi đó, chính quyền hai xã, hai tỉnh hoàn toàn có thể phối hợp và xử lý hiệu quả ngay từ đầu.
Từ thực tiễn đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị cần điều chỉnh quy định theo hướng “trao quyền cho địa phương quyết, địa phương thực hiện và địa phương chịu trách nhiệm”. Ông cảnh báo nếu quy định không thay đổi, sẽ dẫn đến tình trạng cấp dưới “đẩy việc” lên cấp trên, làm giảm tính chủ động, tính phục vụ của chính quyền địa phương, trái với tinh thần “chính quyền gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ”.
Tiểu Vy / Vietnamfinance.vn