Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo luật mới cho phép Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo cấp xã khi phát hiện trì trệ, né tránh hoặc phát sinh tình huống khẩn cấp, nhằm bảo đảm điều hành thông suốt, hiệu quả.
Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 14/5 về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã làm rõ nhiều nội dung then chốt được các đại biểu Quốc hội quan tâm, nhất là về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp theo mô hình mới.
Cơ sở pháp lý cho mô hình chính quyền mới
Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật cơ bản kế thừa Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 65/2025 được Quốc hội thông qua hồi tháng 2, đồng thời có sự hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp để đảm bảo tính chính trị, pháp lý và tính quản trị trong bối cảnh mới. Đây cũng là cơ sở dẫn dắt các luật chuyên ngành điều chỉnh phù hợp, từ đó đảm bảo hiệu quả vận hành của chính quyền địa phương 2 cấp.
Dự thảo Luật xác lập đầy đủ nguyên tắc, nội dung, hình thức, điều kiện để thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền và đi kèm cơ chế kiểm soát. Mục tiêu là phát huy vai trò chủ thể của chính quyền địa phương trong quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm với các nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền: quyền lực nhà nước cần thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp hợp lý giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, đặc biệt là giữa Trung ương và địa phương.
Bà cho biết, sau khi luật được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành 25 nghị định để triển khai mô hình tổ chức mới, đồng thời phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương một cách đồng bộ và hiệu quả.
Trước ý kiến của một số đại biểu băn khoăn về khoản 4 Điều 11 dự thảo Luật cho phép Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp các cơ quan chuyên môn hoặc cấp xã trong “trường hợp cần thiết” Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đây là quy định rất cần thiết nhằm bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành.
Bà làm rõ: “Trường hợp cần thiết” là khi cơ quan chuyên môn hoặc cấp xã không đủ năng lực xử lý một nhiệm vụ, hoặc khi xảy ra vấn đề khẩn cấp, nhạy cảm, vượt khả năng xử lý của cấp dưới, hay khi phát hiện tình trạng trì trệ, né tránh trách nhiệm, hoặc cần có sự điều phối liên vùng, liên xã trong các tình huống cấp bách. Nếu không có cơ chế này, sẽ không đảm bảo được sự vận hành thông suốt và hiệu quả trong bộ máy hành chính.
Bộ trưởng dẫn chứng: Luật Tổ chức Chính phủ cũng đã có quy định trao quyền cho Thủ tướng xử lý các tình huống tương tự.
Khối lượng rà soát lớn, định hướng phân cấp rõ ràng
Hiện tại, theo Bộ trưởng, có tới 177 luật quy định thẩm quyền của các Bộ trưởng, 152 luật liên quan tới Thủ tướng, và 170 luật quy định cụ thể thẩm quyền của HĐND, UBND cấp huyện. Việc điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan là “việc buộc phải làm”.
Kết quả rà soát cho thấy: Có 474 nội dung trong 104 luật, 249 nghị định và thông tư liên quan; 140 nhiệm vụ sẽ được phân cấp cho chính quyền địa phương; 300 nhiệm vụ sẽ được phân định lại cho cấp xã Và 90/99 nhiệm vụ trong luật hiện hành sẽ tiếp tục được chuyển giao.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: “Đây là một dấu mốc lịch sử về lập pháp và cải cách hành chính, khi mô hình chính quyền được chuyển từ 3 cấp sang 2 cấp, phản ánh tư duy đổi mới toàn diện, sâu sắc và có tính kiến tạo rõ nét”.

Bà nhấn mạnh 4 yếu tố xuyên suốt được xác lập trong dự thảo luật:
Thứ nhất là thiết lập cấu trúc pháp lý chỉnh thể cho mô hình 2 cấp, dựa trên các nguyên tắc Hiến pháp sửa đổi và thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng như Nghị quyết 60, Kết luận 126, 127 và 137.
Thứ hai là phân định rõ ràng thẩm quyền phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp trong chính quyền địa phương, làm nền tảng pháp lý cho việc sửa đổi các luật chuyên ngành sau này.
“Phải phân định rõ để các luật chuyên ngành có căn cứ sửa đổi, và chính quyền địa phương có thể vận hành chủ động theo phương châm: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần chỉ đạo,” Bộ trưởng nói.
Thứ ba là minh định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền, phù hợp với yêu cầu quản trị địa phương trong giai đoạn phát triển mới.
Thứ tư là thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ để tháo gỡ mọi khó khăn khi chuyển sang mô hình 2 cấp, đồng thời triển khai luôn việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo đúng chủ trương của Đảng và Trung ương.
Bộ trưởng kết luận: Dự thảo lần này không chỉ là một sửa đổi kỹ thuật, mà là cuộc cải cách toàn diện về thể chế và hành chính, nhằm chuyển đổi từ tư duy hành chính sang tư duy quản trị từ “chỉ đạo, điều hành” sang “kiến tạo, phục vụ”. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, chủ động, hiệu quả và gần dân hơn.
Tiểu Vy / Vietnamfinance.vn