Là tập đoàn công nghệ cung cấp giải pháp phòng chống mã độc ransomware (mã độc tống tiền), thông tin CMC bị tấn công mã độc khiến nhiều người bất ngờ.
Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) tiền thân là Trung tâm ADCOM thuộc Viện Công nghệ vi Điện tử, Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc Gia. Công ty hoạt động trong ngành công nghệ thông tin – viễn thông bao gồm các lĩnh vực IT, Telecom và E-Business.

CMC có địa chỉ tại số 11 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Trung Chính.
Bán giải pháp chống mã độc nhưng bị tấn công mã độc
Những ngày qua, trên một số diễn đàn và website bảo mật quốc tế xuất hiện thông tin CMC trở thành nạn nhân của ransomware (mã độc tống tiền), được cho là nhóm Crypto24 thực hiện vào ngày 12/4. Theo trang Hookphish, có khoảng 2 TB dữ liệu bị khống chế, gồm dữ liệu token, dữ liệu trang web…
Phía CMC cũng xác nhận một dịch vụ quy mô nhỏ trong hệ thống kỹ thuật có dấu hiệu bị tấn công ransomware có chủ đích. Tuy nhiên, sự gián đoạn dịch vụ tới khách hàng diễn ra trong thời gian rất ngắn.
CMC cho biết hệ thống của doanh nghiệp hiện được khôi phục và hoạt động ổn định trở lại, đồng thời cuộc tấn công ransomware không gây tác động đến các khách hàng.
Đáng chú ý, CMC cho biết đang phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) để điều tra và làm rõ nguyên nhân.
Ransomware là tên gọi chung của các loại phần mềm độc hại được sử dụng để mã hóa dữ liệu của nạn nhân nhằm đòi tiền chuộc. Thế giới từng ghi nhận nhiều vụ tấn công gây hậu quả nghiêm trọng, như trường hợp của công ty bán dẫn TSMC, hãng máy bay Boeing, dịch vụ bưu chính Royal Mail năm 2023, nhà điều hành đường ống dẫn nhiên liệu Colonial Pipeline năm 2021. Việt Nam cũng chứng kiến nhiều sự cố ransomware tại các tổ chức, doanh nghiệp, nổi bật là vụ PVOIL và VNDirect đầu 2024.
Theo các chuyên gia, một khi dữ liệu bị mã hóa, hầu như không có biện pháp kỹ thuật để khắc phục. Do đó, doanh nghiệp, tổ chức cần sao lưu thường xuyên, trong trường hợp hệ thống bị tấn công có thể dùng dữ liệu được lưu ở nơi khác để khôi phục, chỉ bị mất một chu kỳ cập nhật mới nhất.
Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, có 46,15% cơ quan, doanh nghiệp cho biết từng bị tấn công mạng ít nhất một lần năm qua, trong đó 6,77% thường xuyên bị tấn công. Còn theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) – Bộ Công an, chỉ tính riêng các đơn vị trọng yếu đã có hơn 74.000 cảnh báo tấn công mạng, trong đó có 83 chiến dịch tấn công có chủ đích APT.
Thông tin CMC bị tấn công ransomware gây chú ý trong giới công nghệ. Bởi, CMC là một trong những tập đoàn công nghệ tại Việt Nam bán giải pháp phòng chống ransomware với sản phẩm CMC Crypto SHIELD. Giải pháp này từng được CMC giới thiệu là phòng, chống mã độc đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
CMC đang kinh doanh ra sao?
Trong định hướng chiến lược của mình, Tập đoàn CMC đặt mục tiêu vào năm 2025 sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó gồm 10.000 tỷ đồng thu từ khối giải pháp công nghệ, 10.000 tỷ đồng từ khối dịch vụ viễn thông và 5.000 tỷ đồng từ khối kinh doanh quốc tế.
Trong năm tài chính 2023, doanh thu thuần của CMC đạt 7.342 tỷ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 402 tỷ đồng.

Mục tiêu doanh thu năm tài chính 2024 của CMC là 8.824 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với 2023; lợi nhuận trước chi phí lãi vay, thuế và chi phí khấu hao (EBITDA) là 1.095 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm tài chính 2023.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 (năm niên độ 2024 – 2025, bắt đầu từ 1/4/2023 đến 31/3/2024), CMC đạt doanh thu 2.303 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng năm 2024, CMC ghi nhận doanh thu 6.287 tỷ đồng và gần 324 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
CMC hiện đang vận hành các trung tâm dữ liệu tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, với tổng công suất hiện tại khoảng 10 MW. Công ty dự kiến mở rộng năng lực lên đến 100 MW vào năm 2028.
Mới đây, CMC vừa thông báo mời thầu rộng rãi cho gói thầu tổng thầu xây dựng phần thô thuộc dự án tổ hợp không gian sáng tạo CMC (CMC Creative Space Hanoi).
Gói thầu bao gồm các hạng mục chính là thi công cọc khoan nhồi đại trà và tường vây, kết cấu móng, phần ngầm và phần thân của dự án; công trình được xây dựng trên diện tích sàn khoảng 89.305m2, gồm 23 tầng nổi và 3 tầng hầm, tọa lạc tại lô đất B2-CC3, Khu đô thị Tây Hồ Tây, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Loại hợp đồng được áp dụng là hợp đồng chặn trên giá trị với đơn giá cố định, chỉ được phép phát sinh giảm, không phát sinh tăng, ngoại trừ trường hợp thay đổi thiết kế do chủ đầu tư yêu cầu. Việc nghiệm thu và thanh toán sẽ được thực hiện theo khối lượng thực tế nhưng không vượt quá giá trị hợp đồng đã ký kết.
Theo tìm hiểu, tổng vốn đầu tư của dự án CMC Creative Space Hanoi dự kiến khoảng 1.789 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 626 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động. Dự án có quy mô 1,13ha, thời hạn 56 năm kể từ thời điểm cấp phép đầu tư (tháng 1/2006). Ô đất dự án này có vị trí cạnh tòa trung tâm R&D của Samsung đã khánh thành và hoạt động từ cuối năm ngoái.
Trước đó vào năm 2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án tổ hợp không gian sáng tạo CMC – CMC Creative Space Hanoi, tại ô đất B2CC3 thuộc dự án khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây.
Theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, chủ đầu tư của dự án nêu trên sẽ chuyển từ Công ty TNHH Phát triển THT sang Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC.
Tháng 3 năm ngoái, tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh, CMC từng bày tỏ mong muốn triển khai đầu tư dự án tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Bắc Ninh (CCS Bắc Ninh) với quy mô từ 20ha trở lên.
Tổ hợp này sẽ bao gồm các phân khu chức năng như phân khu về công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm; phân khu R&D, IC design, AI, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phân khu hạ tầng dữ liệu, điện toán đám mây, AI factory; phân khu giáo dục đào tạo; phân khu đô thị thông minh, nhà ở cho cán bộ nhân viên và chuyên gia…
Ngọc Lưu / Vietnamfinance.vn