Chiếm 36,3%, Vietjet trong năm 2015 về thị phần hàng không nội địa, Vietjet đang bám sát Vietnam Airlines khi chỉ còn kém hãng này khoảng 11%. Thị phần hàng không nội địa đang có sự dịch chuyển rõ rệt.
Nếu như năm 2014, Vietnam Airlines chiếm quá nửa về thị phần nội địa với 56% thì sang năm 2015 Vietnam Airlines đã bị giảm thị phần, còn 47,1%. Trong lĩnh vực hàng không nội địa đang có sự chuyển mình mạnh mẽ của Vietjet với các cú lội ngược dòng. Năm 2015, Vietjet bám sát Vietnam Aislines vươn lên chiếm 36,2% (trong khi năm 2014 chỉ chiếm 29,4% thị phần).
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển hành khách qua đường hàng không năm 2015 đạt 40,1 triệu, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2015 là 13,7%/năm. Số lượng hàng hoá đạt 741 nghìn tấn, tăng bình quân 10%/năm.
Cục Hàng không cho biết chính sách xã hội hoá vận tải hàng không đã khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia. Hiện nay 4 hãng hàng không của Việt Nam (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO, Vietjet) đang khai thác 70 đường bay quốc tế, 48 đường bay nội địa.
Đến hết năm 2015, về thị phần nội địa, Jetstar Pacific chiếm 14,9%, VASCO chiếm 1,7%. Đội tàu bay của các hãng HKVN có 161 chiếc, độ tuổi trung bình là 5,6 tuổi.
Cục Hàng không tính toán đến tháng 12/2015, có 52 hãng hàng không nước ngoài khai thác các đường bay đi, đến Việt Nam. Giai đoạn 2001-2015, tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay đạt hơn 55.000 tỷ đồng, chiếm 38,5% trong tổng vốn đầu tư toàn ngành hàng không.
Theo các chuyên gia hàng không, thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa mô hình kinh doanh hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ. Lợi thế đang nghiêng về bên nào quản lý chi phí hiệu quả, tiết kiệm với bộ máy tinh gọn.
Chính sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ trong việc nỗ lực mở rộng đường bay, đội bay, liên tiếp tung ra các cú giá siêu rẻ… khiến Vietnam Airlines mất đi một lượng khách rất lớn. Bay vé giá rẻ đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn gần đây, buộc hãng cũng phải linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá vé. Dự báo tới đây, cuộc so găng giữa hai mô hình hàng không truyền thống và giá rẻ mà điển hình là Vietnam Airlines với VietjetAir sẽ quyết liệt hơn nữa.
Hạ giá thành vé máy bay
Việc Vietjet ngày càng chiếm thị phần nội địa của Vietnam Airlines cũng nhờ chính sách giá rẻ, giá khuyến mãi liên tục được đưa ra. Cách đây một tuần, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gợi ý Vietnam Airlines giảm giá vé máy bay cho người dân nhờ khi nghe lãnh đạo hãng này công bố về lợi nhuận công ty mẹ vượt 44% kế hoạch, tổng doanh thu hợp nhất của hãng năm 2015 đạt 70 nghìn tỷ, tăng 129% so với kế hoạch
Yêu cầu bám sát 5 mục tiêu chính để phát triển ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh ngành hàng không cần hạ giá thành sản phẩm đồng thời nâng cấp hệ thống cảng hàng không, sân bay hiện đại, có đột phá về vận tải, cải tiến chất lượng dịch vụ không để tụt hậu về công nghệ, năng lực.
Tăng trưởng nhanh, liên tục nâng tổng số chuyến bay và số lượng hành khách vận chuyển, song hàng không đối mặt với nhiều thách thức.
Thời gian qua ngành hàng không cũng gặp không ít khó khăn về chất lượng dịch vụ bất cập, còn để xảy ra một số sự cố nghiêm trọng… Phó Thủ tướng nhấn mạnh bảo đảm an ninh, an toàn, không để xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng là điều quan trọng của hàng không bên cạnh việc chú trọng đi tìm nguồn lực để phát triển.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% chi phí của hãng hàng không, nên khi nhiên liệu giảm đương nhiên chi phí đầu vào của các hãng cũng giảm theo.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Hãng hàng không nghiên cứu xây dựng các phương án giảm giá, xuất bản nhiều loại giá vé thấp, tạo điều kiện hơn nữa cho người tham gia giao thông đường hàng không
Hải Minh
Theo Người Đồng Hành