Để ngăn chặn tình trạng người ăn xin tụ tập xin tiền, gây phản cảm, Ban quản lý ngôi đền tại Nghệ An đã trưng biển báo nhắc nhở khách không cho tiền.
Dịp đầu năm, khách đi lễ đền Cờn (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) nhìn thấy ở cổng đền tấm bảng khuyến cáo “đề nghị quý khách không cho tiền người ăn xin”.
Chị Huyền Tâm (TP Vinh) cho hay đã đi lễ nhiều đền chùa trong và ngoài tỉnh Nghệ An, thường bắt gặp cảnh người ăn xin xếp hàng, nhưng ở đền Cờn thì số người ăn xin rất ít.
Ông Hồ Ngọc Hà, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương kiêm Phó ban quản lý đền Cờn cho hay, biển khuyến cáo nêu trên đã treo khoảng một năm nay. Lý do là những năm trước, người ăn xin xuất hiện ở khu vực đền Cờn rất nhiều, dẫn đến tình trạng chèo kéo du khách, gây phản cảm.
“Nhận thấy cần tạo hình ảnh văn minh, nên ngoài việc treo biển khuyến cáo thì Ban quản lý Đền còn lập danh sách người ăn xin, nếu người nào sinh sống trên địa bàn thì chúng tôi đến vận động gia đình không để cho người thân tiếp tục ăn xin ở Đền”, ông Hà nói và thông tin, nhờ nỗ lực của Ban quản lý, đến nay tình trạng người ăn xin chen chúc ở khuôn viên Đền “đã giảm hẳn”.
Đánh giá biện pháp ngăn chặn người ăn xin của ban quản lý đền Cờn, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An, cho rằng “đây là giải pháp tốt, hiện chưa thấy có biện pháp nào khả thi hơn”.
Theo bà Quỳnh Anh, đền Cờn là nơi đi đầu trong nỗ lực thiết lập khuôn viên trật tự, lành mạnh. Đây không phải là khắt khe đối với người ăn xin, mà để giữ gìn nét đẹp văn hóa của các lễ hội, di tích lịch sử, đền chùa.
Đền Cờn, công trình kiến trúc cổ với nhiều mảng chạm khắc quanh đề tài “Tứ linh, tứ quý”, đã trở thành trung tâm tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của Nghệ An. Lễ hội đền Cờn diễn ra từ ngày 19 đến 21/1 âm lịch hàng năm, là dịp để người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến chiêm bái… Đền được công nhận di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia năm 1993.
Hải Bình/Vnexpress