Táo quân 2017 đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm trong năm từ sự cố môi trường đến việc bổ nhiệm người nhà vào vị trí lãnh đạo quan trọng nhưng vẫn không làm khán giả cười thoải mái.
Tối 30 Tết, trước thời khắc thiêng liêng của sự giao mùa, nhiều gia đình Việt quây quần bên nhau để đón xem chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo quân, như một nếp văn hóa không thể thiếu. Khi tiếng pháo không còn, tiết trời xuân cũng khác xưa nhiều phần, một số khán giả cho biết Táo quân trở thành một “hương vị” để mong chờ.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã hơn một lần tâm sự thật lòng rằng “công chúng đang trao cho Táo quân chiếc áo quá rộng”. Chính điều đó, khiến các nghệ sĩ xem chương trình do chính mình góp công tạo nên nhưng cảm giác thì không khác gì “ngồi trên đống lửa”, và sáng mùng 1 Tết mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Không thể phủ nhận Táo quân 2017 tiếp tục là một chương trình được đầu tư, từ kịch bản đến trang phục. Các diễn viên đã phải tập luyện ngày đêm trong hàng tháng trời, nói như Quang Thắng là “rụng tóc, bạc đầu vì Táo quân”. Nhưng với bản phát sóng trên truyền hình, chương trình đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả.
“Với tầm cỡ của một chương trình hài chính luận, Táo quân đã nói được một số sự kiện nổi cộm của năm. Nhưng việc lồng ghép sự kiện vào lăng kính trào phúng làm không được khéo và duyên như mong đợi. Dù sao, cũng xin cảm ơn các nghệ sĩ, nhưng thẳng thắn mà nói, Táo quân năm nay không hay” – một người xem bình luận trên mạng xã hội.
Táo quân 2017 lên sóng vào tối 30 Tết, chương trình bị cắt nhiều chi tiết được cho là để phù hợp với thời lượng phát sóng. Ảnh: VFC. |
Kịch bản bao quát nhưng khó cười
Táo quân 2017 có thời lượng phát sóng tương đương với mọi năm và tiếp tục ngắn hơn nhiều so với buổi ghi hình vào trung tuần tháng 1 sau quá trình biên tập. Năm nay, bộ ba Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu vẫn do Quốc Khánh, Xuân Bắc và Công Lý đảm nhận. Có 4 Táo lên chầu, lần lượt là Táo Kinh Công (Quang Thắng), Môi trường (Tự Long), Công chức (Chí Trung) và Giáo dục (Vân Dung).
Chương trình đúng tinh thần “tống cựu” mà khán giả mong đợi khi đề cập đến một loạt vấn đề nổi cộm, bức xúc được báo chí đăng tải trong năm vừa qua.
Thảm họa môi trường biển làm ảnh hưởng nặng nề đến người dân miền Trung, gây bức xúc dư luận thời gian dài hay tình trạng các dự án kinh tế không được bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng trong quá trình quy hoạch đều được nhắc đến trong buổi chầu của các Táo.
Đặc biệt, vấn nạn “con ông cháu cha”, “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ”, “cơ quan thành nhà trẻ không bô” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần làm người xem thỏa mãn.
Không chỉ đích danh người cụ thể nhưng Táo quân đã nêu rõ “hiện tượng” cán bộ lãnh đạo bổ nhiệm người thân vào vị trí quan trọng trong bộ máy kinh tế và hệ thống chính trị.
Đây cũng là nội dung có giá trị xương sống, xuyên suốt chương trình. Trước buổi chầu, Bắc Đẩu gặp Táo “Kinh Công” (Kinh tế và Công thương) để nhờ nâng đỡ hai đứa cháu không bằng cấp vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc. Đến phần cao trào, khi Bắc Đẩu và Nam Tào cũ bị sa thải, các Táo cùng tỏ vẻ nghi ngờ về thân thế của hai kẻ mới toanh được bổ nhiệm vào cương vị mới.
Cuối cùng, chính Ngọc Hoàng thông báo việc sắp xếp nhân sự mới chỉ là một màn kịch để các Táo nhận thấy hậu quả của việc bổ nhiệm con cháu thay vì chọn người tài. Và những pha “hạ cánh an toàn” như phi cơ 3D của các Táo lên Thiên đình sẽ không thể “an toàn vĩnh viễn”.
Táo quân năm nay đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm nhưng khán giả lại khó cưới vì nội dung tương đối nặng nề, tính giải trí giảm so với mọi năm. |
Bên cạnh những sự kiện thời sự – chính trị, Táo quân 2017 cũng tạo tình huống hài kịch với những câu chuyện về chặt cây, “luận án tiến sĩ như gà đẻ trứng”, vấn nạn “trẻ trâu”, sống ảo trên mạng xã hội, sự bùng nổ của nhạc bolero.
Công bằng mà nói, chương trình năm nay có tính chất bao quát hơn nhiều năm trước. Khán giả không cảm thấy hụt hẫng về nội dung hay tiếc nuối vì một số sự kiện tiêu biểu không được đề cập. Tuy nhiên, đó cũng chính là yếu điểm của Táo quân 2017. Việc quá tham chi tiết khiến chương trình trở nên nặng nề.
Táo quân năm nay không nhạt như một một số người nhận xét. Nhưng không thể làm hài lòng số đông vì nặng nề về mặt nội dung, việc chuyển hóa từ những vấn đề xã hội thành tiếng cười thông qua lăng kính trào phúng không khéo léo và tinh tế như năm 2016. Đó là lý do khán giả khó cười, thậm chí nhận xét “nhạt” dù thẳng thắn mà nói, một kịch bản như vậy không thể coi là nhạt.
Đội hình Táo quân bắt đầu đuối sức
Không thể phủ nhận tài năng, sự hóm hỉnh và khả năng tung hứng của dàn nghệ sĩ quen thuộc trong chương trình Táo quân là Chí Trung, Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Quang Thắng, Tự Long và Vân Dung. Nhưng cũng không khó để nhận ra đội hình này bắt đầu tỏ ra đuối sức vì đã gắn bó quá lâu năm.
Các nghệ sĩ gần như giữ nguyên cách diễn xuất của mình. Công Lý vẫn đanh đá, sắc sảo khi vào vai cô Đẩu, Xuân Bắc vẫn tinh tường, khôn ngoan. Tự Long vẫn gây cười với hát. Vân Dung vẫn là ngôn ngữ cơ thể. Quang Thắng vẫn “úi giời” như thế. Quốc Khánh không khác như mọi năm. Và Chí Trung vẫn là một Táo lù đù, thật thà và gây cười với phát ngôn mà ngay sau khi phát sóng công chúng sẽ nhắc lại.
Họ vẫn làm tốt, thậm chí rất tốt công việc của mình. Nhưng sự thay đổi bắt đầu trở nên cần thiết khi nó trở thành nhu cầu và mong muốn của khán giả. Ngay sau khi chương trình kết thúc, nhiều ý kiến bày tỏ sự thắc mắc về việc Táo quân không có những nghệ sĩ nổi tiếng miền Nam hoặc những diễn viên hài mới nổi sau những cuộc thi truyền hình.
Chương trình có sự xuất hiện của một số gương mặt trẻ, trong đó có Đỗ Duy Nam. Trong ảnh, Đỗ Duy Nam thay thế Công Lý làm Bắc Đẩu. Tuy nhiên, cảnh nam diễn viên tát “cô Đẩu” cũ không được phát sóng. |
Thực ra, nếu để ý, Táo quân 2017 đã có sự xuất hiện của nhiều diễn viên trẻ như Trung Ruồi, Minh Tít, Dũng Hớn và Đỗ Duy Nam. Dù không có nhiều đất diễn, diễn xuất của các gương mặt trẻ gây được ấn tượng. Một nghệ sĩ tiết lộ đây là dấu hiệu của “sự chuyển giao” trong Táo quân.
Ê-kíp thực hiện muốn đưa một số diễn viên trẻ vào để quen việc, quen người. Rất có thể, họ sẽ là những người được đảm nhận vai chính trong một vài năm tới. Tuy nhiên, với những phản ứng của công chúng sau chương trình năm nay, nhu cầu đổi mới nhân sự càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hơn.
Đạo diễn tài năng và tận tâm như Đỗ Thanh Hải, người đã góp công làm khán giả cười sung sướng và thỏa mãn với Táo quân 2009, Táo quân 2016 có thể sẽ có một đêm không ngon giấc với những bình luận trái chiều về Táo quân 2017.
Chương trình đúng là đã được công chúng khoác cho một chiếc áo quá rộng. Nhưng chiếc áo vinh dự hoàn toàn có thể trở nên vừa vặn nếu đơn vị tổ chức vừa đổi mới vừa giữ được những giá trị tốt đẹp vốn trong suốt một thập kỷ. Ví như đừng để quảng cáo xen ngang quá nhiều như năm nay mà hãy hạn chế nhất có thể như những năm về trước.
Theo Zing