Đừng trách nhà đầu tư chỉ thích “lướt sóng”. Đây là vấn đề vĩ mô cần hoạch định. Muốn xây dựng thì phải xây như thế nào, phải làm sao để nhà đầu tư có niềm tin, chứ đừng bắt nhà đầu tư phải tin.
Trước những cơ hội và thách thức khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn The Pan Group về dự cảm nền kinh tế Việt Nam năm 2016.
Ông có nhận định gì về kinh tế Việt Nam năm 2016 trong bối cảnh hội nhập sâu rộng?
Bất cứ sự hội nhập nào cũng mang theo nhiều cơ hội và đi kèm nhiều yếu tố cạnh tranh. Khi mở cửa thị trường chắc chắn chúng ta phải tuân theo Luật chơi chung, tức là đâu đấy mô hình của chúng ta muốn phát triển giống những cái nước bạn đang có. Cũng như chúng ta, nước bạn không bị rào cản về thuế. Vì vậy, một mặt chúng ta lo mở cửa thị trường, nhưng mặt khác cũng cần chú ý giữ sân nhà, vì thị trường Việt Nam với 90 triệu dân là một thị trường vô cùng hấp dẫn.
Tôi cho rằng năm 2016 là năm đất nước ta có nhiều cơ hội. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang nổi lên với nền kinh tế chính trị ổn định, tăng trưởng GDP ở mức cao trong khu vực. Tuy nhiên chúng ta cũng sẽ gặp những thách thức, khi Việt Nam còn những vấn đề không dễ cải thiện như hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp, hoặc các vấn đề tồn đọng như hệ thống ngân hàng, nợ xấu, lạm phát, tỷ giá… tuy được kiểm soát nhưng có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Theo ông, những vấn đề đó cần được xử lý như thế nào?
Đầu tiên, chúng ta phải chuẩn bị lực lượng nhân sự đủ tầm so với khu vực. Lực lượng nhân sự này là nguồn lực cung cấp cho mọi vị trí trong xã hội nói chung. Lực lượng cán bộ này không chỉ được đào tạo ở nhà trường, mà còn phải liên tục được đào tạo nâng cao chất lượng về kiến thức, kỹ năng, cập nhật những thông tin, xu hướng mới. Hiện tại chỉ có một số nơi đào tạo được nguồn nhân lực thay thế, còn đại đa số các tổ chức, các cơ quan, hay doanh nghiệp trên đất nước dù có phát triển, mở rộng hoặc tăng vốn ồ ạt, nhưng các lãnh đạo đứng đầu vẫn là những gương mặt cũ, trong khi tầng lớp kế cận không theo kịp đà phát triển của tương lai. Chúng ta không thể nói mãi về lợi thế nguồn nhân lực giá rẻ, vì việc duy trì nhân lực giá rẻ không phải mong ước và niềm tự hào của nền kinh tế. Chúng ta phải tìm ra những điểm chúng ta có mà người ta không có, phải liên tục đầu tư, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể tiếp tục phát triển.
Thứ hai, hội nhập phải xác định được ngành nghề có lợi thế cạnh tranh để đầu tư. Các ngành dệt may, da giày, vận tải,và ngành nông nghiệp là những ngành cần quan tâm để phát triển. Nếu chúng ta hỏi rằng hương vị nông sản Việt Nam có thể sản xuất được ở một nơi nào khác trên thế giới không, thì tôi cho rằng không. Thế nhưng nếu chỉ dựa vào hương vị Việt Nam không thôi thì liệu có đủ để hấp dẫn các thị trường khác hay không? Cũng không. Vậy chúng ta cần phát triển các sản phẩm nông sản Việt Nam như thế nào để nó có hương vị Việt Nam, nhưng với cách thức quảng bá và phân phối để thị trường quốc tế chấp nhận.
Thứ ba để phát triển duy trì được tăng trưởng trong 5 năm tới phải đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng ta giảm dần dùng vốn ODA mà phải hướng đến dùng vốn tư nhân, giảm IKOR, tăng hiệu quả đầu tư.
Thứ tư, quan trọng nhất là phải có thị trường vốn lành mạnh, bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường tài chính. Hai thị trường này phải phát triển song song và độc lập, khi nào thị trường tài chính lớn mạnh và đủ sức cạnh tranh với thị trường tiền tệ thì nền kinh tế mới phát triển bền vững được. Người dân thay vì bỏ tiền vào ngân hàng thì sẽ bỏ tiền vào thị trường tài chính, như ở Mỹ họ tin vào cổ phiếu hơn là tiền. Làm được điều ấy, thị trường tài chính và thị trường tiền tệ sẽ cạnh tranh lành mạnh với nhau, và cả nền kinh tế cũng như người dân có tiền đầu tư được hưởng lợi. Khi đó, định mức tín nhiệm của Việt Nam tăng lên, đồng vốn ngước ngoài vào Việt Nam rẻ đi và chúng ta mới có cơ hội cạnh tranh.
Với những điều kiện như vậy ông đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016?
Tôi thiên về thách thức nhiều hơn.
Tại sao, thưa ông, trong khi nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc nới” room” và quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh?
Việc mở room không có quá nhiều ý nghĩa đối với sự bùng phát của TTCK. Quan trọng nhất phải là sự hiệu quả của nền kinh tế và định mức tín nhiệm quốc gia tăng lên. Các câu chuyện bên lề chỉ là câu chuyện dành cho dân lướt sóng.
Về quá trình cổ phần hóa, chúng ta phải nhìn lại. Khi bán hàng, chúng ta phải cân đối được cung – cầu, phải bán thế nào nhiều người quan tâm mua nhất, như bán số lượng lớn, bán chi phối và phải tạo hệ thống minh bạch để các nhà đầu tư cạnh tranh đấu giá bình đẳng.
Ông có cho rằng, tâm lý nhà đầu tư hiện nay chỉ thích “lướt sóng”?
Đừng trách nhà đầu tư, nhà đầu tư sau 15 năm đã khác hẳn NĐT của 15 năm trước, từ chỗ chúng ta rất khó huy động 50 triệu đô thì giờ đây có thể huy động mấy trăm triệu đô trên thị trường. Đây là vấn đề vĩ mô cần hoạch định, muốn xây dựng thì phải xây như thế nào, chúng ta làm sao để nhà đầu tư có niềm tin chứ đừng bắt nhà đầu tư phải tin. Như trường hợp của Vinamilk, ai đã đưa ra thông tin Vinamilk được mua lại với giá cao, và tại sao khi thị trường Singapore đính chính ngay sau đó thì tại thị trường Việt Nam không có thông tin gì? Hãy để cho lòng tin của nhà đầu tư là hệ quả chứ đừng bắt lòng tin của nhà đầu tư là nguyên nhân.
Nhắc lại câu chuyện nới room, ông có lo ngại SSI bị thâu tóm sau khi nới room lên 100% không?
Nếu có nhà đầu tư nào đủ tiềm lực muốn thâu tóm SSI, và họ có định hướng phát triển SSI trong nhiều năm nữa thì tôi cho đó là cơ hội. SSI ra đời từ một công ty có số vốn 6 tỷ đồng, và đến nay là gần 6000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Sau 15 năm, SSI đã tăng trưởng gần 1000 lần. Nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng này thì 15 năm nữa, chúng ta sẽ có một định chế tài chính hùng mạnh, đủ sức đóng vai trò trụ cột cho nền kinh tế Việt Nam vươn ra tầm khu vực. Vì vậy, nếu có nhà đầu tư muốn đầu tư vào SSI, có khả năng duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của SSI, đưa SSI trở thành một công ty có tầm cỡ quốc tế, thì đó là điều mong muốn của tôi cũng như của tất cả mọi cổ đông của SSI. Tôi không lo ngại và cũng sẽ không cản trở những cơ hội phát triển của SSI. SSI không phải là của cá nhân tôi, nhưng cá nhân tôi thuộc về SSI.
Hãy coi những nhà đầu tư nước ngoài là ân nhân, họ không phải kẻ thù của chúng ta. Giả thiết, nếu bán Vinamilk thành một công ty nước ngoài, chúng ta sẽ tiếc nuối khi bị mất một thương hiệu mạnh của Việt Nam. Nhưng nếu đó là để công ty ngày một lớn mạnh, trường tồn và cung cấp được sản phẩm tốt với giá cạnh tranh cho người tiêu dùng, thì lại là một việc tốt.
Xin cảm ơn ông.
Theo Đầu Tư Chứng Khoán