Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào ngày 3/7 nhờ đà tăng của cổ phiếu công nghệ và thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đã làm dịu bớt lo ngại về căng thẳng thương mại kéo dài.Trong đó, nhóm cổ phiếu của các công ty giày dép và may mặc ghi nhận mức tăng vượt trội.
Chốt phiên giao dịch ngày 2/7, chỉ số Nasdaq và S&P 500 đồng loạt tăng điểm lên mức kỷ lục mới, dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ.
Trong đó, đà tăng của các “ông lớn” như Nvidia, Apple và Tesla đóng vai trò then chốt. Cụ thể, Nasdaq Composite tăng 190,24 điểm (tương đương 0,94%) lên 20.393,13 điểm; trong khi S&P 500 tăng 29,41 điểm (0,47%) lên 6.227,42 điểm. Trái lại, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 10,52 điểm (0,02%) còn 44.484,42 điểm, vẫn cách chưa đầy 1,2% so với mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 12/2024.

Đáng chú ý, tâm lý thị trường được cải thiện rõ rệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ và Việt Nam đạt được một thỏa thuận thương mại, trong đó quy định mức thuế 20% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam.
Diễn biến này giúp xoa dịu phần nào lo ngại về căng thẳng thương mại kéo dài, đặc biệt trong bối cảnh Nhà Trắng úp mở khả năng sắp ký kết thêm một thỏa thuận với Ấn Độ – dù các đối tác khác có thể chưa sẵn sàng vào hạn chót 9/7.
“Tiến triển trong đàm phán thương mại mang lại một số tín hiệu tích cực. Thỏa thuận với Việt Nam là thông tin đáng hoan nghênh”, ông Michael Arone – chiến lược gia đầu tư trưởng tại State Street Global Advisors (Boston) nhận định.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài đăng trên mạng xã hội Truth Social và khẳng định “vừa đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam”, cổ phiếu của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam như Nike, Lululemon và Columbia Sportswear đều tăng vọt và đạt mức cao nhất trong phiên.
Nike tăng 4,2%, Columbia Sportswear tăng 1,5% và Lululemon tăng gần 2,9%. VF Corporation, công ty sở hữu The North Face và Vans, tăng 2,4%.

Sự tăng giá của nhóm cổ phiếu nói trên cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều thương hiệu lớn. Những năm gần đây, Việt Nam đã vươn lên thành một trung tâm sản xuất chủ chốt trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, nội thất và đồ chơi.
Đơn cử như Nike hiện sản xuất hơn 25% tổng sản lượng toàn cầu tại các nhà máy ở Việt Nam. Tính đến cuối tháng 1/2025, Nike có 98 đối tác sản xuất và cung ứng đang hoạt động tại Việt Nam, với tổng cộng 162 nhà máy, sử dụng hơn 493.000 lao động. Các sản phẩm chính được sản xuất tại đây gồm giày dép, trang thiết bị và hàng may mặc.
Các nhà đầu tư hiện đang hướng sự chú ý đến báo cáo bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào ngày 3/7, sớm hơn một ngày so với thường lệ do thị trường tài chính Mỹ nghỉ lễ Quốc khánh 4/7. Theo khảo sát của Reuters, giới chuyên gia dự báo tăng trưởng việc làm trong tháng 6 sẽ tiếp tục hạ nhiệt và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,3%.
“Nếu thị trường lao động hạ nhiệt ở mức vừa phải, điều đó có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm hạ lãi suất – một yếu tố tích cực cho thị trường. Nhưng nếu tăng trưởng việc làm suy yếu quá mạnh, đây sẽ là tín hiệu tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp”, ông Jim Awad, Giám đốc điều hành cấp cao tại Clearstead Advisors LLC (New York) nhận xét.
Trong khi đó, thị trường vẫn tiếp tục theo dõi tác động của dự luật chi tiêu và cải cách thuế quy mô lớn do chính quyền Mỹ đề xuất. Sau khi được Thượng viện thông qua, dự luật đã được chuyển tới Hạ viện để chờ phê chuẩn cuối cùng. Các nhà phân tích phi đảng phái cho rằng đạo luật này có thể làm gia tăng thêm 3.400 tỷ USD vào tổng nợ quốc gia trong vòng 10 năm tới.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 16,95 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 17,82 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần nhất. Riêng tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), có tới 358 cổ phiếu lập đỉnh mới và chỉ có 41 mã chạm đáy.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, vào 20h00 ngày 2/7/2025 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam – Mỹ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam – Mỹ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.
Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ, trong đó xe ô tô phân khối lớn. Ông khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phía Mỹ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường và bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao.