Các vụ việc quảng cáo sai sự thật về lòng xe điếu và những dẫn chứng điển hình trong vụ việc Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục bị xử lý được đại biểu Quốc hội nhắc đến khi thảo luận sửa Luật Quảng cáo.
Sáng 10/5, trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm về việc cần siết chặt trách nhiệm của người nổi tiếng, nghệ sĩ và các KOL khi tham gia quảng cáo đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều vụ việc quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu rõ, thực tế thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp người dẫn chương trình, biên tập viên nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, trong đó có cả vụ việc sữa giả khiến dư luận bức xúc. Bà cũng đề cập đến những vụ việc cụ thể như quảng cáo kẹo rau củ của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, và gần đây là vụ “lòng xe điếu” cho thấy mức độ lan rộng và phức tạp của vấn đề quảng cáo không đúng sự thật.

Từ những trường hợp trên, đại biểu Hằng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo, nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi lợi dụng sự nổi tiếng để quảng bá sai lệch. Bà đề nghị phải rà soát, đánh giá lại toàn diện những bất cập hiện hành, bịt các “lỗ hổng” pháp lý đang tồn tại và đưa ra các chế tài mạnh mẽ hơn trong cả xử phạt hành chính và quy định hình sự.
Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho biết, nhóm đối tượng gây nhiều vướng mắc hiện nay trong lĩnh vực quảng cáo là những “người có ảnh hưởng” (influencers). Ngoài nhóm có chuyên môn, năng lực rõ ràng, ông nhấn mạnh còn tồn tại một bộ phận chủ yếu gây chú ý bằng hình thức như thi hoa hậu, làm người mẫu, ca sĩ, diễn viên hoặc tạo scandal trên mạng xã hội.
Theo ông An, nhiều người nổi tiếng hiện nay tham gia quảng cáo sản phẩm mà hoàn toàn không có hiểu biết chuyên môn, chỉ dựa vào danh tiếng để tạo lòng tin với công chúng. Thực trạng này tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng, nhất là khi sản phẩm quảng cáo ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Ông kiến nghị chỉ những người có chuyên môn và hiểu biết thực sự về sản phẩm mới nên được phép thực hiện vai trò người chuyển tải quảng cáo.
Dự thảo luật hiện hành đã đưa vào khái niệm “người chuyển tải quảng cáo”, bao gồm cả “người có ảnh hưởng”. Tuy nhiên, ông An cho rằng phần định nghĩa này vẫn còn mơ hồ, cần được làm rõ để dễ dàng áp dụng và giám sát trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, ông An cũng lưu ý rằng trong dự thảo luật, số lượng quyền của người chuyển tải quảng cáo được đề cập rất ít, chỉ gồm hai quyền cơ bản, trong khi nghĩa vụ lại quá nhiều và một số vẫn còn chung chung chẳng hạn như “nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Điều này vừa gây khó khăn trong thực thi, vừa khiến người có ảnh hưởng chịu rủi ro pháp lý lớn hơn khi tham gia quảng cáo.
Từ những phân tích trên, ông đề xuất cần quy định cụ thể hơn về điều kiện và tiêu chí của người được phép chuyển tải quảng cáo, đồng thời làm rõ quyền và nghĩa vụ của họ theo hướng minh bạch, dễ thực hiện. Việc này, theo ông An, sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan, thiếu kiểm soát như thời gian qua và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Tiểu Vy / Vietnamfinance.vn