TAND Tối cao đề xuất không tổ chức TAND cấp cao và cấp huyện; thành lập TAND khu vực, đồng thời chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành tòa chuyên trách trong TAND khu vực.
Những nội dung này nằm trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 26/4.
Trình bày tờ trình về nội dung này, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống tòa án theo hướng không tổ chức TAND cấp cao, TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành tòa chuyên trách trong TAND khu vực.

Với thay đổi này, mô hình tổ chức hệ thống tòa án sẽ gồm: TAND Tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND khu vực.
TAND Tối cao cũng đề xuất thành lập các tòa phúc thẩm thuộc TAND Tối cao; tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao từ 13-17 người lên 23-27 người, nhằm đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết khối lượng công việc tăng thêm từ TAND cấp cao chuyển về.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Ủy ban đề nghị cân nhắc thận trọng việc tăng số lượng thành viên Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Theo ông Tùng, thay vì tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức, thẩm phán làm công tác tham mưu giải quyết án; nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.
“Thẩm phán TAND Tối cao là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Việc tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương của Đảng, do đó đề nghị TAND Tối cao xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo quy định”, ông Tùng nêu quan điểm.

Dự thảo Luật lần này cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao trong trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Theo đó, người được đề nghị bổ nhiệm phải đang là thẩm phán TAND hoặc có đủ 5 năm làm Vụ trưởng hoặc tương đương tại TAND Tối cao.
Vấn đề này, theo cơ quan thẩm tra, thẩm phán TAND Tối cao là chức danh tư pháp đặc biệt, thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Luật hiện hành quy định trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có thời gian tối thiểu 5 năm là thẩm phán TAND.
“Việc bỏ điều kiện về thời gian tối thiểu này dẫn đến trường hợp một người mới được bổ nhiệm thẩm phán TAND có thể được xem xét bổ nhiệm ngay làm Thẩm phán TAND Tối cao, như vậy là chưa hợp lý”, ông Tùng nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra là đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Làm rõ hơn các nội dung trên, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho biết việc tăng số lượng thẩm phán TAND tối cao lên 23-27 người đã được Trung ương, Bộ Chính trị thông qua. Theo ông, với mô hình mới, nếu để số lượng 17 thẩm phán TAND Tối cao thì “không đủ sức để làm việc”.

Về điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Lê Minh Trí giải thích điều này giải quyết các vướng mắc trong thực tế, chứ không phải lo những người được bổ nhiệm không có kinh nghiệm.
Ông Trí đề nghị trước mắt có 23 thẩm phán TAND Tối cao, còn 4 người nữa sẽ có lộ trình để chọn người có kinh nghiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khi kết luận phiên họp đã khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề xuất tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao lên 23-27 người, đồng thời ủng hộ mở rộng đối tượng để chọn bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị TAND Tối cao hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9, dự kiến khai mạc ngày 5/5 tới.
Tiểu Vy / Vietnamfinance.vn