Về quyết định Mỹ áp thuế 25% với mặt hàng sắt thép của tất cả các nước, một số doanh nghiệp sắt thép khẳng định khi các doanh nghiệp ở các nước khác cũng chịu cùng chung mức thuế như Việt Nam khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt sẽ cao hơn.
Ngành thép sẽ có cơ hội mới
Tổng thống Donald Trump đã chính thức áp thuế bổ sung 25% đối với cả thép và nhôm (tức tăng thuế suất với nhôm lên 25% từ mức 10% trước đó). Quyết định của Tổng thống Trump cũng xóa bỏ các ngoại lệ và thỏa thuận hạn ngạch của quốc gia cũng như các biện pháp loại trừ thuế quan cụ thể cho từng sản phẩm đối với cả hai loại kim loại này vì lý do an ninh quốc gia và do các miễn trừ đã làm giảm hiệu quả của các biện pháp này.
![](https://vietdaily.vn/wp-content/uploads/2025/02/my-ap-thue-25-voi-thep-suc-canh-tranh-cua-dn-viet-se-cao-hon.jpg)
Với quyết định này của Tổng thống Mỹ thuế suất sẽ tăng trở lại 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Argentina, Úc, Brazil, Canada, EU, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Anh và Ukraine đã được miễn thuế vào Hoa Kỳ theo các điều khoản miễn trừ.
Mức thuế trên sẽ có hiệu lực từ ngày 12/3/2025. Đối với các nước đã bị áp thuế 25% từ 2018 (trong đó có Việt Nam) thì tiếp tục duy trì mức thuế trên.
Với Việt Nam, năm 2018 đến hiện tại, Việt Nam vẫn là quốc gia đang phải chịu mức thuế 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với sản phẩm nhôm theo Tuyên bố 9705.
Bình luận về quyết định áp thuế này, trao đổi với VietnamFinance, đại diện một doanh nghiệp thép cho biết, do nhiều năm qua doanh nghiệp thép Việt Nam xuất khẩu hàng vào Mỹ đã phải chịu mức thuế 25%, trong khi nhiều bên được miễn thuế, nên khi các doanh nghiệp ở các nước khác cũng chịu cùng chung mức thuế như Việt Nam khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt sẽ cao hơn.
“Mặt hàng sắt thép của Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ dù phải chịu mức thuế cao nhưng vẫn có thể cạnh tranh tốt nhờ lợi thế giá thành nên giờ đây khi các nước khác cũng chịu mức thuế như chúng ta sẽ sẽ mở ra cơ hội mới, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho tất cả nhà xuất khẩu thép vào Mỹ. Khi không còn sự phân biệt đối xử, các công ty thép Việt Nam sẽ không còn đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng về sự chênh lệch thuế quan và hạn ngạch thuế quan từ các quốc gia như Canada, Mexico, Brazil”, đại diện doanh nghiệp này khẳng định.
Trao đổi với VietnamFinace, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cũng khẳng định việc Mỹ áp thuế 25% với mặt hàng sắt thép của tất cả các nước cũng sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp Việt.
“Doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Mỹ đã quen với việc áp thuế và phải chịu áp thuế nhưng kể cả khi đã áp thuế, hàng hoá của chúng ta vẫn có giá thành cạnh tranh. Hiện tại, đang có hai luồng ý kiến cho rằng việc Mỹ áp thuế với mặt hàng sắt thép với tất cả các nước, không miễn trừ ngoại lệ thì với hàng Việt, khi chúng ta đã phải chịu mức thuế 25% cho sắt thì mức thuế vẫn được giữ nguyên.
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến thứ hai cho rằng việc áp thuế lần này của Mỹ sẽ là “thuế chồng thuế”, khi ấy mặt hàng sắt của Việt Nam vốn đã chịu mức thuế 25% giờ sẽ chịu thêm 25% thuế chồng lên nữa là 50%. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp thứ hai này thì hàng Việt vẫn có cửa vào Mỹ bởi như tôi đã nói, hàng hoá của chúng ta có những lợi thế nhất định, trong đó lợi thế lớn nhất là giá rẻ”, ông Sưa nói.
Mức thuế của các nước khác sẽ ngang Việt Nam
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiện, Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 3 trong tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam, sau EU (23%) và ASEAN (26%). Các thị trường khác như Ấn Độ chiếm 6%, Đài Loan 4%, Brazil 3%, Thổ Nhĩ Kỳ 3%…
![](https://vietdaily.vn/wp-content/uploads/2025/02/my-ap-thue-25-voi-thep-suc-canh-tranh-cua-dn-viet-se-cao-hon-1.jpg)
Nhận định về vấn đề này, Khối phân tích CTCK SSI cho biết, đối với Việt Nam, nhập khẩu thép vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018 theo Mục 232, vì vậy thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế này. Do đó, có rất ít tác động đến ngành thép Việt Nam liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ.
“Hành động thuế mới có thể thậm chí có phần tích cực đối với ngành thép Việt Nam vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam (trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác) ngang hàng với các quốc gia khác. Xuất khẩu thép của Việt Nam sang các quốc gia bị ảnh hưởng như Mexico và Canada cũng tương đối nhỏ (tính đến tháng 12 năm 2024, họ không nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam theo dữ liệu của VSA)”, theo SSI Research.
Ngoài ra, Khối phân tích lưu ý một điểm nữa cần xem xét là tác động cuối cùng có thể phức tạp để xác định, vì có một số loại thuế khác như CVD (thuế đối kháng) và AD (thuế chống bán phá giá), trong đó thuế AD vẫn đang trong quá trình điều tra.
TS.Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, doanh nghiệp cần vạch ra những kịch bản sẵn sàng ứng phó với việc có thể bị áp thuế từ phía Hoa Kỳ. Trong trường hợp bị áp thuế ở mức thấp, cần tiếp tục bám trụ thị trường và thực hiện các giải pháp đầu tư công nghệ, tối ưu hoá chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đa dạng hoá thị trường, thực hiện chiến lược “không bỏ trứng vào một giỏ” để tránh những rủi ro có thể có từ phía thị trường nhập khẩu. Đồng thời, bám sát các thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở Hoa Kỳ để nắm bắt thông tin, có các đối sách ứng phó kịp thời với sự thay đổi từ phía bạn (nếu có).
Đặc biệt, theo TS Lê Quốc Phương, việc Hoa Kỳ áp thuế cao với các quốc gia lân cận có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp tại các quốc gia đó xuất khẩu hàng hoá sang Việt Nam, gian lận xuất xứ rồi xuất khẩu ngược sang Hoa Kỳ. Trước đây, đã có chuyện này xảy ra và khi bị phát hiện đã ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận sâu sắc vấn đề lợi ích về lâu dài, tránh tuyệt đối tình trạng cho các đối tác gian lận xuất xứ, “ăn xổi” để ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ngành, quốc gia.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần liên kết với nhau để tăng sức mạnh hợp lực, tăng sức chống chịu, ổn định chuỗi cung ứng, để tìm kiếm đối tác, chia sẻ rủi ro. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và Chính phủ trong việc cảnh báo, chia sẻ thông tin và đề xuất các chính sách phù hợp.
Theo Kỳ Thư / Vietnamfinance.vn