Sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump được dự đoán sẽ có những tác động kinh tế sâu sắc và cấp bách đến phần còn lại của thế giới, trong đó có Đông Nam Á.
Thế giới đang chuẩn bị cho một “chuyến đi đầy biến động” với nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai của ông Donald Trump – một nhiệm kỳ hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ hơn nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Vị thế của ông Trump trong nền chính trị Mỹ hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, ông đã giành được chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống và trở thành đảng viên Cộng hòa đầu tiên thắng số phiếu phổ thông kể từ thời Tổng thống George W. Bush năm 2004.
Với việc đảng Cộng hòa giành đủ số phiếu để kiểm soát lưỡng viện, ông Donald Trump có thể có nhiều quyền tự do hơn, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026.
Về mặt nhân sự, ông Trump cũng bắt đầu thông báo về những thành viên đầu tiên trong nội các của mình, được lựa chọn dựa trên tiêu chí duy nhất là “trung thành”, điều này hứa hẹn giúp cho vị tổng thống đắc cử theo đuổi các mục tiêu của mình một cách quyết đoán hơn, đồng nghĩa với việc các đề xuất trong chương trình nghị sự của ông có thể được thực hiện một cách triệt để.
Khả năng cắt giảm viện trợ và đầu tư cho Đông Nam Á
Đông Nam Á là một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhân tố chính trong thương mại quốc tế, là điểm đến lớn thứ hai thế giới của các khoản đầu tư nước ngoài, cũng như là một trọng tâm trong sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, khu vực này được cho là sẽ đối mặt với rủi ro cao với những thay đổi chính sách dự kiến trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, việc ông Trump tham dự các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và APEC – đặc biệt là các cuộc họp cấp cao với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được thúc đẩy trong các hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt khi Đông Nam Á đóng vai trò chiến lược trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, sự chú ý của ông Trump dành cho ASEAN có thể phần nào phai nhạt, do ứng viên đảng Cộng hòa còn phải thực hiện các lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là nhanh chóng chấm dứt chiến sự Nga-Ukraine và xung đột ở Trung Đông.
Do đó, nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump có thể sẽ giảm ưu tiên cho các sáng kiến liên quan tới Đông Nam Á. Tương lai của các chương trình quan trọng như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) – chương trình tài trợ được chính quyền Tổng thống Biden hậu thuẫn mạnh mẽ để giúp Việt Nam và Indonesia chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn – khó mà đoán định.
Dưới góc độ đầu tư, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, ông đã thực hiện cắt giảm thuế và các ưu đãi về quy định để khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư trong nước. Nếu ông Trump áp dụng các chính sách tương tự trong nhiệm kỳ thứ hai, dòng FDI của Mỹ vào ASEAN có thể giảm.
Sự thay đổi này có thể tác động đáng kể đến các ngành công nghiệp ASEAN phụ thuộc vào quan hệ đối tác về vốn, công nghệ và chuyên môn của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, năng lượng, khai khoáng và dược phẩm.
Kịch bản tươi sáng hơn sẽ đến nếu như chính quyền Mỹ ủng hộ doanh nghiệp ưu tiên thương mại tự do và quan hệ đối tác quốc tế có khả năng thúc đẩy mối quan hệ đầu tư chặt chẽ hơn với Đông Nam Á.
Ngoài ra, ASEAN có thể áp dụng cách tiếp cận trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để thu hút đầu tư của Mỹ trong khi khám phá các nguồn FDI mới từ Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Đông để bù đắp cho bất kỳ sự suy giảm tiềm ẩn nào.
Rủi ro thương mại
Thương mại Mỹ – Đông Nam Á đã tăng trưởng đều đặn trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông Trump và cả chính quyền Tổng thống Biden, với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sang Mỹ tăng gần gấp đôi hoặc hơn từ năm 2017 đến năm 2023.
Dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden, việc giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu do căng thẳng Mỹ – Trung chủ yếu tác động đến ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành xanh như xe điện và tấm pin mặt trời. Điều này khiến các nền kinh tế Đông Nam Á – vốn đã hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng liên kết Trung Quốc và Mỹ – hầu như không bị ảnh hưởng trong hầu hết các ngành công nghiệp khác.
Trớ trêu thay, thương mại là nơi mà rủi ro đối với phúc lợi kinh tế của Đông Nam Á thể hiện rõ nhất dưới nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump. Khung kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) liên quan đến các quốc gia Đông Nam Á là sáng kiến của ông Biden nhằm duy trì sự tham gia của Mỹ vào việc xây dựng các quy tắc kinh tế khu vực, mà không đưa ra một thỏa thuận thương mại tự do truyền thống với quyền tiếp cận thị trường. Và ông Trump có thể hủy bỏ nó vào ngày đầu tiên nhậm chức.
Mặc dù tác động của việc hủy bỏ IPEF sẽ ít sâu sắc hơn nhiều so với cú sốc khi ông rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương năm 2017, nhưng nó sẽ làm suy yếu thêm cam kết của Mỹ trong việc duy trì sự tham gia kinh tế của mình tại Đông Nam Á.
Quan trọng hơn, sự nhiệt tình của ông Trump đối với thuế quan, mà ông gọi là “từ đẹp nhất trong từ điển”, có thể gây ra rắc rối lớn cho khu vực này.
Thuế quan với Trung Quốc và tác động
Những lời đe dọa áp thuế toàn diện của ông Trump, ở mức 10% – 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, dự kiến sẽ gây ra sự gián đoạn trong thương mại và tăng trưởng toàn cầu.
Đề xuất tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của ông Trump – và các sản phẩm có thành phần từ Trung Quốc – kết hợp với mối đe dọa trả đũa của Bắc Kinh, sẽ làm tăng đáng kể rủi ro khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tách rời.
Các nền kinh tế ASEAN, trong đó Trung Quốc và Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất, sẽ bị kẹt ở giữa. Xuất khẩu của ASEAN sang Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào hàng hóa trung gian của Trung Quốc và hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng sử dụng nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian từ ASEAN.
Sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Đông Nam Á sang Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế chung của khu vực. Tóm lại, mô hình toàn cầu hóa mà Đông Nam Á từ lâu đã phụ thuộc vào để tăng trưởng đang phải đối mặt với tương lai khó đoán.
Tất nhiên, một làn sóng thuế quan mới của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc cũng sẽ chuyển hướng nhiều hoạt động sản xuất của Trung Quốc sang Đông Nam Á. Việc này sẽ tạo ra ưu thế tăng trưởng cho khu vực này.
Nhiều chuyên gia tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ không gây ra nhiều khó khăn cho các nước ASEAN như đối với châu Âu hoặc Đông Bắc Á, vì ASEAN đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó với các chính sách được coi là “khắc nghiệt” trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và sẽ nhanh chóng thích nghi với thực tế mới để bảo vệ lợi ích của họ.
Bằng cách tăng cường hợp tác khu vực và thiết lập sự hiện diện kinh tế mạnh mẽ hơn, ASEAN sẽ có vị thế tốt hơn để chống chọi với những thay đổi trong chính sách kinh tế của Mỹ, đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng liên tục trong một thế giới ngày càng đa cực.
Theo Quỳnh Anh / Vietnamfinance.vn