Theo báo Dân trí, khoảng 5 năm trở lại đây, gần 2km bờ biển Cửa Lở ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam sạt lở nghiêm trọng, phức tạp; đặc biệt tại thôn Bình Trung có hơn 100 hộ dân với 350 nhân khẩu luôn sống trong nơm nớp lo sợ. Tình trạng sạt lở, nước biển xâm lấn vào sâu bên trong khiến nhiều nhà cửa, vườn tược, ao nuôi thủy sản và mồ mả của người dân xã đảo đã bị dòng chảy xâm thực, cuốn trôi ra biển. Nhiều vị trí xung yếu bị sóng biển đánh vỡ, ăn sâu vào bờ, "hở hàm ếch" 3-5m, hàng trăm cây dương liễu giữ đất bị cuốn phăng. Theo người dân địa phương, mỗi lần mưa bão về, người dân lại thêm phần bất an, lo lắng. Bởi sau khi mùa mưa bão đi qua bờ biển lại tiếp tục sạt lở nặng nề và phức tạp hơn. Chia sẻ với VTC News, bà Nguyễn Thị Tùng (trú thôn Bình Trung) cho biết: "Kể từ khi bờ biển lâm vào tình cảnh sạt lở, nhiều căn nhà tạm được dựng lên để trông giữ ao tôm đã đổ sập, cùng với đó là hàng chục ao tôm ven bờ hiện cũng đã bị phá nát. Riêng từ năm ngoái đến nay, sóng đã ngoạm sâu vào bờ thêm từ 3-5m khiến bà con ăn không ngon, ngủ không yên". Thông tin về tình hình địa phương, ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho biết thời gian gần đây sạt lở bờ biển Cửa Lở diễn ra rất mạnh, hiện vị trí sạt lở cách không xa thôn Bình Trung và đang mở rộng, đe dọa khu dân cư thôn Thuận An. "Do tốc độ xâm thực quá nhanh đã khiến nhiều mồ mả, diện tích nuôi tôm của người dân bị cuốn trôi ra biển. Đoàn công tác của huyện và tỉnh đã đi kiểm tra, khảo sát khu vực bị sạt lở. Địa phương cũng như người dân mong muốn sớm có phương án xây dựng kè để chấm dứt tình trạng sạt lở này", ông Hùng thông tin trên báo Thanh niên. Theo nhận định của người dân địa phương, Cửa Lở bị xâm thực mạnh do 2 nguyên nhân chính là triều cường và dòng chảy quá mạnh. Mỗi mùa mưa bão người dân lại lo lắng bởi tình trạng sạt lở sẽ càng nghiêm trọng hơn. Người dân địa phương nhận định, nếu không sớm có biện pháp giải quyết tình trạng này thì chỉ vài năm nữa, ngôi làng này sẽ biến mất. Cứ mỗi khi có gió chướng, biển động, người dân nơi đây phải ra biển để canh chừng, bất an, lo sợ năm này qua năm khác. Ảnh: Dân trí, VTC News, Thanh niên Bảo An (T/h) / Đời sống Pháp luật