Nhiều người cho rằng hình thức thanh toán mua trước trả sau đang khiến giới trẻ dễ rơi vào cảnh nợ nần hơn. Tuy nhiên, theo Ths.Ngô Thành Huấn, việc vỡ nợ, rơi vào nợ nần vì mua trước trả sau phần lớn là do lỗi của người tiêu dùng khi không có đủ kiến thức về tài chính cá nhân, quản lý tài chính.
Hình thức thanh toán mua trước trả sau được ưa chuộng
Anh Quốc Chiến (25 tuổi, Hà Nội) hiện đang làm việc tại một công ty marketing, cho biết: “Hơn một nửa món đồ tôi đang sử dụng là mua dưới hình thức mua trước trả sau”. Anh Chiến đã từng mua từ quần áo, điện thoại đến cả chiếc laptop trị giá 20 triệu bằng hình thức này.
Hình thức mua trước trả sau (BNPL) không còn xa lạ với nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Theo khảo sát online với gần 200 sinh viên đại học thực hiện bởi VietnamFinance, có tới gần 90% sinh viên, người trẻ biết đến hình thức thanh toán mua trước, trả sau, trong đó có tới 74% người tham gia khảo sát cho biết họ đã và đang sử dụng hình thức thanh toán này trong cuộc sống hàng ngày.
Lý do chung của nhiều bạn trẻ khi lựa chọn hình thức mua trước, trả sau là sự linh hoạt trong chi tiêu khi thay vì trả một khoản lớn thì người mua có thể trả thành nhiều đợt. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán này thường không tính lãi hoặc lãi thấp hơn thẻ tín dụng trong khi thủ tục đơn giản và phê duyệt nhanh.
Có thể thấy rằng, cùng với sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử và số lượng người dùng Internet cùng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng, thị trường thanh toán mua trước, trả sau (BNPL) đang trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều người trẻ và có nhiều dư địa để bứt tốc.
Báo cáo của Worldpay cho hay, trong 5 năm tới, dịch vụ BNPL sẽ thuộc nhóm các hình thức thanh toán trực tuyến có tốc độ phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới và chiếm gần 3% tổng thanh toán thương mại điện tử vào năm 2023.
Trong đó, tại Việt Nam, dựa trên tính toán của Research and Markets, thị trường BNPL sẽ tăng trưởng 45% trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2028. Tổng giá trị hàng hóa thanh toán qua BNPL sẽ đạt 4,73 tỷ USD vào năm 2028, tăng từ 207 triệu USD vào năm 2020.
Thị trường Việt đang phát đi nhiều tín hiệu tích cực cho BNPL. Tính trong 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.566,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với tăng trưởng trong nhu cầu tiêu dùng, thị trường thẻ tín dụng tại nước ta vẫn còn nhiều dư địa để phát triển khi mới chỉ có hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng nội địa lẫn thẻ tín dụng quốc tế. Nhu cầu tiêu dùng cao cùng với tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp cùng tạo ra cơ hội để cho BNPL bùng nổ.
Người tiêu dùng cũng có phản ứng tích cực với hình thức thanh toán mua trước, trả sau, nhất là người trẻ với lối sống hiện đại, nhu cầu mua sắm và tài chính cao – những đối tượng tiêu dùng tiềm năng của thị trường này.
Đứng trước hàng loạt tín hiệu tích cực, nhiều công ty fintech đã gia nhập vào thị trường BNPL tại Việt Nam và đã có những phát triển nhất định như Paylater, Fundiin, Home Credit, Wowmela, Movi,… Các ngân hàng, ví điện tử, sàn thương mại điện tử cũng như các công ty cho vay tiêu dùng không còn đứng ngoài cuộc chơi này. Đơn cử như FE Credit liên kết với Viettel Pay hay Home Credit đầu tư hơn 200 tỷ đồng vào Home Pay Later. Các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada cũng kết hợp với các ngân hàng thương mại, công ty tài chính triển khai dịch vụ BNPL.
Mua trước trả sau có là con dao hai lưỡi?
Tuy nhiên, một mặt hình thức thanh toán mua trước trả sau thúc đẩy thị trường tiêu dùng đi lên nhưng mặt khác, nó lại gây nguy hiểm cho tương lai tài chính của người dùng.
“Hình thức BNPL được thiết kế để khuyến khích người tiêu dùng mua nhiều hơn và vay nhiều hơn. Người đi vay có thể dễ dàng sa vào các khoản nợ một cách vô thức và khi họ nhìn lại, có thể khoản nợ đã “phình to” và vượt tầm kiểm soát”, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) của Mỹ nhận định.
Chưa kể, mặc dù không tính lãi suất nhưng các công ty cung cấp hình thức BNPL lại đánh mạnh vào phụ phí và phí trả chậm cao. Chính điều này đã đẩy nhiều người tiêu dùng trẻ rơi vào cảnh nợ nần.
Theo một báo cáo của Ngân hàng TSB (Anh) vào tháng 12/2022, hơn một nửa thanh niên Anh trong độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi đã nhận khoản nợ mới hoặc khoản nợ bổ sung trong 12 tháng qua hoặc dự kiến sẽ có thêm khoản nợ mới hoặc khoản nợ bổ sung trong 12 tháng tới. Ngoài ra, thế hệ người trẻ tuổi này có nguy cơ mắc nợ cao gấp 7 lần so với ông bà hay cha mẹ của họ, phần lớn vì hình thức mua trước trả sau.
Tại Mỹ, chỉ tính riêng trong năm 2021, các doanh nghiệp lớn triển khai hình thức mua trước, trả sau đã tạo ra 180 triệu khoản vay với tổng trị giá 24,2 tỷ USD, tăng gần gấp 10 lần so với năm 2019.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng nhiều bạn trẻ cũng thừa nhận rằng mình rơi vào vòng luẩn quẩn tài chính khi mua trước trả sau. Chia sẻ với VietnamFinance, chị Thu Thảo (26 tuổi, Hà Nội) cho biết, ban đầu chị thấy hình thức mua trước trả sau này là cách thông minh để chi trả cho các món đồ mà mình không đủ khả năng mua với đồng lương văn phòng ít ỏi.
Thế nhưng sau một thời gian “mua sắm mà không có cảm giác đang tiêu tiền vì mua trước trả sau”, ngoài những món đồ mới, chị Thảo còn có thêm một khoản nợ khá lớn. Chị Thảo sau đó đã phải dùng hết khoản tiết kiệm của mình để chi trả cho khoản nợ kia.
Tuy nhiên, trao đổi với VietnamFinance, Ths.Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành công ty tư vấn tài chính và quản lý gia sản FIDT, nhận định: “Tiêu dùng là xu hướng không thể không tăng mạnh ở các quốc gia đang phát triển và dân số trẻ, trong đó có Việt Nam. Trong đó, hình thức mua trước trả sau về bản chất là sự hỗ trợ người tiêu dùng từ các sàn thương mại điện tử, nhãn hàng. Việc vỡ nợ khi lạm dụng hình thức mua trước trả sau là do lỗi của người tiêu dùng, không biết cách quản lý tài chính hoặc quản lý tài chính cá nhân còn kém”.
“Khi Shoppe hay Lazada ngày càng trở nên quen thuộc hơn và các bạn trẻ có nhiều cơ hội mua sắm dễ dàng hơn thì hình thức mua trước trả sau lại càng dễ được ưa chuộng hơn. Khi dân trí tài chính và quản lý chi tiêu vẫn chưa phát triển thì hình thức mua trước trả sau này vẫn sẽ có những tiêu cực nhất định”, ông Huấn cho biết.
Theo ông Huấn, để tránh bị rơi vào bẫy tiêu dùng quá tay, người tiêu dùng cần phải biết kiểm soát sự thúc đẩy tiêu dùng của các nhãn hàng và nắm vững kiến thức về tài chính cá nhân, quản lý chi tiêu. Từ đó, nếu tuân thủ theo đúng nguyên tắc và quy định mà các công ty tài chính đề ra thì hình thức mua trước trả sau vẫn có lợi nhiều hơn hại, hỗ trợ cho người tiêu dùng thoải mái chi tiêu trong dòng tiền của mình.
Khánh Tú / Vietnamfinance