Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thời gian làm việc phù hợp có “tác động lớn đến thu nhập, phúc lợi và điều kiện sống của người lao động”. Sự cân bằng chính là chìa khóa để tìm ra thời lượng trung bình lý tưởng cho một tuần làm việc. Tuy nhiên, để đạt được sự cân bằng quả không dễ dàng.
Ở cấp độ “vĩ mô”, mối quan hệ giữa năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế luôn là bài toán hóc búa với các nhà hoạch định chính sách.
Nên làm việc 44 giờ/tuần…
Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội tại Quốc hội chiều 31/10, ông Phạm Trọng Nghĩa (Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học lập pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp), nói sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1947 quy định “thời hạn làm việc của công nhân, đàn ông hay đàn bà không quá 48 giờ mỗi tuần lễ”. Sắc lệnh này cũng quy định thời gian làm thêm mỗi năm không quá 100 giờ.
Cũng theo ông Nghĩa, sau gần 80 năm độc lập và qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế – xã hội, thế và lực của Việt Nam được nâng lên tầm cao mới, nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm, trong khi giờ làm thêm tăng lên gấp ba lần.
Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ năm 1999). Theo ông Nghĩa, đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.
…hay 70 giờ/tuần?
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, tỷ phú NR Narayana Murthy, người được mệnh danh là “Bill Gates của Ấn Độ”, cho rằng thanh niên nước này cần phải làm việc 70 giờ mỗi tuần để phát triển kinh tế của đất nước.
Vị tỷ phú 77 tuổi cho hay Ấn Độ là một trong những quốc gia có mức năng suất lao động thấp nhất trên thế giới, do đó trách nhiệm của thanh niên nước này là thúc đẩy những thay đổi trong công việc của mình. Theo số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 66% dân số Ấn Độ dưới 35 tuổi.
Ông Murthy cho hay đây là thời điểm thích hợp để “củng cố và đẩy nhanh” tiến bộ kinh tế của đất nước vì Ấn Độ bắt đầu nhận được sự công nhận toàn cầu về nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075.
Bình luận của ông Murthy đã khuấy động một cuộc tranh luận trên mạng xã hội, một số người nói rằng việc nghe theo lời khuyên của ông có thể gây tác dụng ngược và khiến người lao động kiệt sức đồng thời kìm hãm sự sáng tạo.
Nhiều người khác thì cho rằng với tần suất một tuần làm việc 70 giờ cũng có thể gây khó khăn cho phụ nữ đi làm bởi nhiều người trong số họ cũng đảm nhận phần lớn công việc gia đình.
Bao nhiêu là đủ?
Theo các chuyên gia, ở cấp độ “vĩ mô”, để định ra được số giờ lao động phù hợp nhưng vẫn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn là bài toán hóc búa với các nhà hoạch định chính sách. Số giờ một người dành cho công việc của họ mỗi ngày ở mỗi quốc gia là khác nhau. Nói cách khác, một số quốc gia có thời gian làm việc “dài” trong khi những quốc gia khác có thời gian làm việc “ngắn”.
Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có 36 thành viên bao gồm nhiều quốc gia có nền kinh tế mạnh thế giới (Mỹ, Anh, Úc, Đức…) cũng như một số quốc gia đang phát triển và mới nổi nhanh chóng (Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico…) nhận thấy rằng xét về số giờ làm việc, vào năm 2020, Mexico có số giờ làm việc dài nhất, trong khi Đức có thời gian làm việc ngắn nhất.
Nhưng “dài” và “ngắn” ở đây thực sự có ý nghĩa gì? Cách duy nhất để hiểu ý nghĩa của “dài” so với “ngắn” là phải nhớ rằng những định nghĩa này là tương đối. Nói cách khác, một tuần làm việc trung bình 40-45 giờ (hoặc thậm chí nhiều hơn) có thể bị coi là “ngắn” ở quốc gia này nhưng có thể là “dài” ở quốc gia khác.
Ở Mexico, những lo ngại lâu nay về tình trạng thất nghiệp, lạm phát gia tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đồng nghĩa với việc mọi người phải làm việc nhiều giờ hơn mỗi tuần.
Nhưng ở Đức, người lao động ở đây làm việc ít giờ hơn và tận hưởng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn nhờ nền văn hóa cân bằng giữa việc giải trí và công việc. Ngoài ra, vì họ sống trong một nền kinh tế tiên tiến, công nghiệp hóa cao, nền kinh tế lớn nhất và mạnh nhất châu Âu, nên họ không cảm thấy tuyệt vọng khi phải làm việc nhiều giờ hơn để tăng thu nhập.
Tuy nhiên, mặc dù thời gian làm việc ngắn hơn nhưng lao động Đức vẫn nằm trong số những người có năng suất cao nhất thế giới, vượt xa ở Pháp và thậm chí cả Phần Lan.
Năm 2020, quốc gia phát triển có thời gian làm việc dài nhất là Hàn Quốc. Trên thực tế, giờ làm việc hàng tuần ở quốc gia này dài hơn bất kỳ quốc gia OECD nào khác ngoại trừ Mexico và Costa Rica, chủ yếu là do những nỗ lực chính thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thời gian làm việc kéo dài cũng làm dấy lên mối lo ngại về các vấn đề xã hội như tỷ lệ sinh giảm và năng suất lao động chậm lại.
Để giải quyết những lo ngại này và thay đổi thái độ của xã hội đối với công việc, quốc hội Hàn Quốc đã thông qua luật vào tháng 3/2018 để cắt giảm giờ làm việc (giới hạn thời gian làm việc tối đa từ 68 giờ/tuần xuống còn 52 giờ/tuần) và trao cho người lao động “quyền nghỉ ngơi”.
Đây có thể là lý do tại sao số giờ làm việc trung bình hàng năm của người lao động Hàn Quốc đã giảm từ 1.993 giờ vào năm 2018 xuống còn 1.967 giờ vào năm 2019.
Nhật Bản, một quốc gia phát triển khác trong OECD, từ lâu đã gắn liền với nền văn hóa “tham công tiếc việc”, từ đó sinh ra thuật ngữ karoshi nghĩa là “chết vì làm việc quá sức”.
Văn hóa làm việc nhiều giờ của Nhật Bản được hình thành trong thời kỳ bùng nổ những năm 1960-1990 khi những người làm việc ngoài giờ được đánh giá cao và do đó đạt được thành công lớn hơn trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, số vụ karoshi ngày càng tăng đã thúc đẩy nhu cầu cải cách luật lao động, cải thiện điều kiện làm việc và tất nhiên là giảm giờ làm việc đối với lực lượng lao động Nhật Bản.
Báo cáo của OECD cho thấy vào năm 2020, một công nhân Nhật Bản trung bình chỉ làm việc khoảng 1.598 giờ mỗi năm (một tuần làm việc 31 giờ), con số này thấp hơn mức trung bình của OECD là 1.687 giờ. Con số năm 2020 là thấp nhất của Nhật Bản trong 4 năm, giảm từ 1.709 giờ năm 2017 xuống 1.680 giờ vào năm 2018 và 1.644 giờ năm 2019.
Độ dài của thời gian làm việc trung bình khác nhau tùy thuộc vào từng quốc gia. Trong khi người lao động ở một số quốc gia đang phải làm việc cật lực vào nửa đêm thì những quốc gia khác lại có được sự cân bằng tuyệt vời giữa công việc và cuộc sống. Có nhiều yếu tố quyết định mức độ của những khác biệt này.
GDP bình quân đầu người của một quốc gia tỷ lệ nghịch với số giờ làm việc. Nói cách khác, người dân ở các nước giàu làm việc ít hơn. Ví dụ, năm 1990, người lao động ở Brazil làm việc trung bình 1.879 giờ mỗi năm. Khi đất nước phát triển kinh tế, con số này đã giảm xuống còn khoảng 1.709 giờ/năm (33 giờ/tuần) vào năm 2017.
Nhìn chung, người lao động ở các quốc gia giàu có, phát triển có xu hướng làm việc trong thời gian ngắn hơn. Họ cũng được hưởng các đặc quyền khác như đảm bảo nghỉ phép hàng năm, nghỉ thai sản và tất nhiên là điều kiện làm việc tốt hơn.
Ngược lại, người lao động ở các nước có thu nhập thấp và trung bình ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ làm việc nhiều giờ hơn và phải chịu mức lương thấp hơn, tình trạng mất an ninh việc làm cao hơn (tỷ lệ thất nghiệp cao hơn), người lao động vẫn nghèo đói mặc dù có việc làm thường xuyên và ít ngày nghỉ phép hơn.
Mặc dù điều quan trọng là “bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người lao động bằng cách giới hạn thời gian làm việc và cung cấp thời gian nghỉ ngơi và phục hồi thích hợp”, ILO lưu ý rằng điều quan trọng không kém là người lao động “được tiếp cận với số giờ làm việc tối thiểu mong muốn”, tránh việc làm bán thời gian không tự nguyện.
Lê Anh / Vietnamfinance