Lãi suất giảm, lượng tiền gửi vào ngân hàng suy giảm rõ rệt. Kênh gửi tiết kiệm không còn là ưu tiên hàng đầu với nhiều nhà đầu tư.
Tiền gửi suy giảm
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa giảm thêm một loạt lãi suất điều hành và đây là lần cắt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp từ đầu năm đến nay. Cùng với động thái hạ lãi suất điều hành, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Trái ngược với cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động cuối năm ngoái, những tháng gần đây, thị trường chứng kiến cuộc đua giảm lãi suất huy động.
Đặc biệt, sau động thái hạ lãi suất điều hành lần 3 của NHNN, các ngân hàng thương mại đang khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung.
Mức lãi suất niêm yết tại hầu hết nhà băng đã giảm rất nhanh. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng đã lùi về mức dưới 8%/năm. So với mức “đỉnh” vào tháng 12/2022, lãi suất huy động hiện đã giảm 2-4%/năm, tùy từng ngân hàng. Nếu cách đây 2 tuần, mức lãi suất xấp xỉ 9% vẫn còn xuất hiện thì nay lãi suất cao nhất chỉ còn 8,5%/năm.
Lãi suất huy động hạ nhanh khiến lượng tiền gửi vào các ngân hàng suy giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,77%, trong khi cùng kỳ năm trước, con số này là 2,15%.
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), cho hay, quý I/2023, huy động vốn ngành ngân hàng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm lại đây. Huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của doanh nghiệp; những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân. Có thể, tình hình này sẽ còn gia tăng thời gian tới.
Mặc dù NHNN cho biết thanh khoản hệ thống đang dồi dào, được hỗ trợ lớn bởi nguồn đầu tư công chưa thể giải ngân. Song thực tế, ngoại trừ nhóm Big 4, các ngân hàng không dư giả vốn, rất nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đang chịu áp lực lớn về huy động vốn. Ngoài cho vay, các ngân hàng đang rất “khát” vốn để xử lý nợ xấu, tái cơ cấu… Đây là lý do vì sao một số ngân hàng vẫn duy trì lãi suất tiền gửi xấp xỉ 9% trên thị trường.
Theo số liệu của NHNN, trong 4 tháng đầu năm, các ngân hàng đã sử dụng gần như tối đa nguồn huy động cho phép để cho vay (chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND là 167.000 tỷ đồng); tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1 bằng VND ở mức 101,45% (tức tiền ngân hàng cho vay cao hơn cả tiền huy động trên thị trường 1). Trong đó, vốn huy động của ngân hàng có tới 88% là ngắn hạn, tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn lớn.
Thực tế, quý I/2023, tiền gửi khách hàng của 28 ngân hàng tăng trưởng chậm. Tổng tiền gửi khách hàng đạt 8,6 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với đầu năm.
Hầu hết ngân hàng đều không ghi nhận tăng trưởng mạnh về lượng tiền gửi trong 3 tháng đầu năm với mức tăng dao động chỉ từ 1-5% so với đầu năm. Thậm chí có những ngân hàng có lượng tiền gửi giảm như ABBank, VietBank, NCB…
Do đó, các ngân hàng cần phải sẵn sàng các giải pháp về nguồn vốn trong bối cảnh tiền gửi có nguy cơ giảm đi.
Lãi suất giảm, kênh gửi tiết kiệm có còn hấp dẫn?
Cuối năm ngoái đến 2 tháng đầu năm nay, khi lãi suất huy động lên đỉnh 10-11%/năm, người dân ồ ạt hưởng tiết kiệm ngân hàng để nhận lãi cao trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… nhiều rủi ro.
Giai đoạn đó, các chuyên gia khi được hỏi về kênh đầu tư ưu tiên phần lớn cũng lựa chọn gửi tiết kiệm trước môi trường đầu tư có nhiều yếu tố bất định.
Tuy nhiên, hai tháng qua, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang giảm dần, kênh gửi tiết kiệm không còn là ưu tiên hàng đầu với nhiều nhà đầu tư.
Từ nay đến cuối năm, dự báo lãi suất ngân hàng còn dư địa giảm tiếp. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang giảm mạnh, gửi tiết kiệm có thể không còn là kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều người.
Các chuyên gia cho rằng, dư địa để NHNN giảm thêm lãi suất điều hành thời gian tới là khá eo hẹp, vì trần lãi suất huy động hiện đã bằng với lạm phát cơ bản trong nước. Mà người dân luôn có tâm lý kỳ vọng lãi suất thực dương. Vì vậy, khi lãi suất giảm sâu, có khả năng tiền sẽ chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Theo giới phân tích, dòng tiền luôn tìm kiếm tới các khoản đầu tư có lợi nhuận cao hơn, hấp dẫn hơn. Khi lãi suất giảm, dòng tiền sẽ chuyển dịch từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác.
“Nếu giảm sâu quá thì thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn do người dân thấy tiền gửi lãi suất thấp sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định.
Tại chương trình “Cà phê sáng cùng LM2: Tín dụng suy giảm, làm sao để kích cầu”, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset – cho biết, khi lãi suất thấp, những người gửi tiết kiệm sẽ bắt đầu có sự cân nhắc và dịch chuyển phân bổ tài sản của mình. Dòng tiền luôn là “smart money” luôn tìm kiếm tới các khoản đầu tư có lợi nhuận cao hơn, hấp dẫn hơn.
Tiền có thể chuyển từ kênh tiết kiệm sang các thị trường đầu tư khác như bất động sản, thị trường chứng khoán nhưng sẽ có độ trễ. “Đối với kênh bất động sản có thể trễ vài tháng sau nhưng với kênh chứng khoán thì sẽ nhanh hơn, có thể ngay từ tuần này, tháng sau luôn”, ông Tuấn nói.
Hiện có 4 kênh đầu tư chính “cạnh tranh” với tiền gửi ngân hàng. Đó là vàng, ngoại tệ, bất động sản và chứng khoán. Nhưng ngoại tệ và bất động sản đang “yếu thế” rõ nét.
Về ngoại tệ, TS. Cấn Văn Lực, nhận định, từ đầu năm đến nay, VND tăng giá 0,7% – 0,8% so với USD. “Dự báo, tỷ giá cơ bản cả năm 2023 sẽ ổn định, VND nếu có mất giá thì chỉ khoảng 0,5-1%”, ông Lực nói. Với lợi nhuận thấp như vậy, đồng bạc xanh cũng không phải là kênh đầu tư hiệu quả.
Trong khi đó, thị trường bất động sản gần đây đã có những chính sách gỡ vướng, nhưng theo giới phân tích, phải đến quý IV, thị trường này mới phục hồi.
Trong các kênh đầu tư, có vẻ như vàng khả quan hơn cả. Nhưng hiện giá vàng đã giảm đáng kể sau khi chinh phục mức cao nhất mọi thời đại (2.085,4 USD/ounce) tại ngày 5/5/2023.
Minh Dũng / Vietnamfinance