“Tôi rất cảm động, nhiều người sáng mắt cũng không có cơ hội như chúng tôi ngày hôm nay. Đây đều là những kiến thức bổ ích và cần thiết trong thời đại 4.0 này. Đúng là xã hội không bỏ ai lại phía sau. ”. Đó là chia sẻ của ông Đỗ Văn Diên, 75 tuổi, Hội người mù quant Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ trong lớp tập huấn về Nhận biết và phòng tránh Tin giả và lừa đảo trực tuyến , thuộc Chương trình “Kỹ năng số khu vực ASEAN” do Quỹ ASEAN phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) tổ chức, với sự hỗ trợ từ Google.org.
Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thông tin sai lệch và thông tin giả mạo đã lan truyền rộng rãi mà không được kiểm chứng, đến mức Diễn đàn Kinh tế Thế giới xác định nó là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội. Số lượng vụ lừa đảo trực tuyến đã tăng vọt từ 139 triệu vụ (2019) lên 293 triệu vụ (2021) với số tiền gắn với các vụ lên tới hơn 55 tỷ Đô – la (Nguồn: GASA, 2021). Nhận thấy vấn đề này, Quỹ ASEAN, với sự hỗ trợ của Google.org, triển khai Chương trình “Kỹ năng số khu vực ASEAN” (tên tiếng Anh là ASEAN Digital Literacy Program).
Chương trình mang tính khu vực nhằm phòng chống sự lan truyền thông tin sai lệch và thông tin giả mạo bằng cách cung cấp đào tạo về kiến thức số cho thanh niên, giáo viên, phụ huynh, lãnh đạo cộng đồng và các quan chức chính phủ phối hợp với các đối tác thực hiện tại địa phương. Chương trình bao gồm một chiến dịch nâng cao nhận thức mạnh mẽ để đảm bảo rằng tầm quan trọng của phương tiện truyền thông và kiến thức thông tin được hiểu rõ hơn bởi nhiều đối tượng hơn và truyền cảm hứng cho mọi người thay đổi và phát hiện và ngăn chặn các trò lừa đảo và tin tức giả mạo lan truyền. Tại Việt Nam, Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) đã được chọn là đối tác triển khai đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng của chương trình.
Từ tháng 8/2022 đến tháng 2/2023, Vietnet-ICT cùng Quỹ ASEAN phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, và các đơn vị đối tác khác triển khai tập huấn cho 224 giảng viên nguồn bao gồm thanh niên, người cao tuổi, người khuyết tật, các cán bộ quản lý, nhà giáo dục và các giáo viên. Các chủ đề tập huấn liên quan tới truyền thông số và an toàn số như Tin giả trên mạng xã hội, Đóng khung tâm lý trên mạng xã hội, An toàn trực tuyến, Quyền riêng tư và An ninh mạng,… Từ đó, hơn 64.000 người hưởng lợi cuối cùng từ 30 tỉnh thành trên Việt Nam được tiếp cận với nội dung chương trình với hình thức tập huấn đa dạng như cuộc thi, diễn đàn hỏi đáp, tranh luận, các lớp học trực tiếp và trực tuyến được thực hiện bởi các giảng viên nguồn. Theo đánh giá, trên 99% người hưởng lợi đã có các hiểu biết và thực hành đúng về truyền thông số và an toàn số sau tập huấn.
Trong khuôn khổ chương trình, các giảng viên nguồn có nhiều đóng góp trong quá trình triển khai đã được trao giải Top 30 giảng viên nguồn tích cực tại Hội thảo tổng kết và trao giải chương trình “Kỹ năng số khu vực ASEAN”, diễn ra vào ngày 23/05/2023 tại Hà Nội. Cũng tại sự kiện, thông qua phiên tọa đàm “Phát triển kỹ năng số và an toàn Internet toàn diện cho cộng đồng: Những thách thức và giải pháp”, các bên liên quan bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, các nhà trường, giáo viên, thanh niên, người khuyết tật đã cùng tham gia và đóng góp ý kiến và tìm giải pháp, xây dựng không gian trao đổi kiến thức và xây dựng mạng lưới hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của kỹ năng số và an toàn Internet tại Việt Nam.
Bà Ngô Minh Trang, giám đốc Vietnet-ICT chia sẻ: “Thông qua phương pháp tiếp cận đa dạng và triển khai tới nhiều các nhóm đối tượng khác nhau bao gồm cả người khuyết tật, người cao tuổi, chúng tôi mong muốn đảm bảo rằng mọi người, bất kể độ tuổi hay khả năng và điều kiện của họ, đều có thể tiếp cận với các nguồn tài nguyên và nâng cao năng lực số.”
“Đây là một cơ hội tốt để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm và tôn vinh tất cả các giảng viên nguồn đã lan tỏa kiến thức và nâng cao nhận thức về kỹ năng số tại Việt Nam. Tôi muốn chúc mừng các giảng viên nguồn đã đóng góp một phần trong nỗ lực to lớn chống lại thông tin sai lệch ở địa phương mình. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường các kỹ năng số không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn bộ cộng đồng ASEAN” – Ông Mahmudi Yusbi, Giám đốc Chương trình, Quỹ ASEAN cho biết.
Đông Thành / Thị Trường Giao Dịch