Các chuyên gia quân sự Việt Nam cho rằng cuộc tập trận Nga – Trung đang diễn ra trên Biển Đông là thông điệp răn đe Mỹ.
“Lực lượng mà Nga mang tới Biển Đông chỉ dừng ở mức độ biên đội chiến thuật, còn Trung Quốc chưa công bố lực lượng, song có khả năng sẽ mang tới nhiều vũ khí, nhân lực để thể hiện sức mạnh nhằm răn đe ngầm với Mỹ – Hàn”, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên phó tham mưu trưởng Hải quân Nhân dân Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, trao đổi với VnExpress.
Trung Quốc và Nga hôm 12/9 bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 8 ngày tại Biển Đông. Cuộc tập trận được tiến hành ở ngoài khơi thành phố cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, với sự tham gia của tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay phản lực, trực thăng, lính thủy đánh bộ thuộc Hạm đội Nam Hải.
Đại tá Phạm Tân, thuyền trưởng tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam, cho rằng phạm vi tập trận nằm cách xa đảo Hải Nam, gần với biển Hoa Đông hơn là đi sâu xuống Biển Đông.
Theo ông Lâm, vị trí cuộc tập trận cho thấy Trung Quốc cảm thấy bất an, khi Triều Tiên, nằm ở cửa ngõ đông bắc của Bắc Kinh, không ngừng củng cố tham vọng tên lửa, hạt nhân, và chỉ cần một phản ứng thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến chiến tranh ở khu vực. Trong khi đó, việc Seoul đồng ý cho Washington triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cũng khiến Moscow và Bắc Kinh lo ngại cho thế trận an ninh ở Đông Á.
Chuẩn Đô đốc nhận định Trung Quốc sẽ tránh khu vực gần Đài Loan và quần đảo Luzon của Philippines do không muốn tạo ra các tình huống nhạy cảm.
“Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách ‘đường lưỡi bò’, Trung Quốc không muốn phô diễn sức mạnh quá gần Philippines. Họ cũng không muốn tới gần Đài Loan với sự tham gia của cả hải quân Nga, bởi nó rất dễ gây xung đột”, ông Lâm nói.
Quan chức hải quân Nga – Trung cho biết nội dung tập trận gồm phòng thủ, cứu hộ cứu nạn, chống tàu ngầm, chiếm đảo. Lực lượng lính thủy đánh bộ sẽ tham gia diễn tập bắn đạn thật, đổ bộ tấn công đảo.
“Tập trận Nga – Trung cũng là cơ hội để Bắc Kinh quan sát và chọn mua vũ khí của Moscow giống như các lần tập trận trước ở biển Hoa Đông”, Đại tá Phạm Tân đánh giá.
“Sẽ là đáng chú ý nếu Nga dùng máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-95. Loại máy bay này được trang bị cả khả năng trinh sát hình ảnh, giám sát điện tử, chống tàu ngầm. Bên cạnh đó là khả năng săn ngầm bằng trực thăng, lĩnh vực Nga có thế mạnh”, Đại tá Tân nói.
Về việc Putin ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong phán quyết của Tòa Trọng tài, nhà báo Nguyễn Đăng Phát, cựu trưởng phân xã TTXVN tại Liên bang Nga nhận định Moscow đã thể hiện “muốn thắt chặt hơn quan hệ với Bắc Kinh”.
“Nga luôn coi Mỹ là đối tượng trong quan hệ quốc tế. Các phát ngôn của Nga lây nay về ‘nước ngoài khu vực’ ở Biển Đông đều để ám chỉ Mỹ. Hơn nữa, Nga cũng coi Biển Đông có ý nghĩa an ninh, kinh tế quan trọng nên Moscow sẽ tìm cách tạo đối trọng với Washington”, ông Phát phân tích.
Văn Việt
Theo Vnexpress