Vào lúc Mỹ – Cuba bắt đầu đàm phán để Mỹ thu hồi bất động sản bị Cuba kê biên thì cháu của trùm mafia Mỹ đòi lại tài sản bị Cuba tịch thu.
Người đòi lại tài sản bị Cuba tịch thu là Gary Rapoport, vốn là cháu trai của trùm gangster Meyer Lansky, người chủ của khách sạn 352 phòng ngủ Riviera ở Havana.
Rapoport sống ở Tampa (bang Florida) nói với báo The South Florida Sun-Sentinel: “Cuba nợ tiền gia đình tôi” và cho biết, ông đòi chính phủ Cuba phải bồi thường việc kê biên khách sạn nêu trên.
Cuba đòi 120 tỉ USD, Mỹ đòi thêm 8 tỉ USD tiền lãi
Theo báo New York Times, tuần qua, lần đầu tiên chính quyền Mỹ- Cuba ngồi lại với nhau, bàn về những bất động sản của Mỹ bị Cuba kê biên
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên nói: cuộc gặp tuần trước chỉ là sơ bộ, mang tính chuyên nghiệp, đồng thời nhấn mạnh vấn đề bồi thường tài sản bị tịch thu mang tính cấp thiết. Trong vài tháng tới sẽ còn những cuộc gặp khác.
Bà nói: “Cuộc họp này là bước đầu của một quy trình phức tạp, có thể đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng Mỹ xem giải pháp cho các yêu cầu này là quan trọng hàng đầu để hai bên bình thường hóa quan hệ”.
Tại Havana, đoàn Mỹ trình bày về việc Ủy ban giải quyết bồi thường cho nước ngoài đã xác minh được 5.913 vụ công dân Mỹ đòi Cuba bồi thường, với tổng số tiền 1,9 tỉ USD cùng 8 tỉ USD tiền lãi.
Các chuyên gia nói: đa phần số tiền này của các công ty Mỹ. Số vụ đòi bồi thường trên không tính hàng ngàn người Cuba mất tài sản, trước khi họ rời Cuba qua Mỹ và trở thành công dân Mỹ.
Như Nicolas Gutierrez, một nhà tư vấn ở Miami (Mỹ), từng làm việc về vấn đề đòi bồi thường suốt hàng chục năm, do gia đình ông mất cơ sở làm ăn trị giá 35 triệu USD ở Cuba.
Ông Gutierrez cho rằng các vụ đòi bồi thường nên được xử lý dứt điểm, trước khi các sứ quán được mở Mỹ và Cuba.
Nay ông sợ danh sách đòi bồi thường quá mỏng, nên người Mỹ có lẽ chẳng nhận được gì. Vì Bộ Ngoại giao Mỹ thương lượng nhân danh người Mỹ đòi bòi thường, nhưng lại không tìm hiểu ý kiến (chấp thuận hay không) của họ, trước khi đạt đến một thỏa thuận.
Ông Gutierrez nói: “Bạn có thể tưởng tượng các nhà đàm phán của Obama nói: “Này, chúng ta đã buộc được họ phải thôi không đòi đền 120 tỉ USD”. Chúng ta bỏ 8 tỉ USD và chẳng ai nhận được gì cả.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng trình 10 phán quyết của tòa án cấp bang và cấp liên bang Mỹ, trong đó đòi chính phủ Cuba bồi thường thêm 2 tỉ USD nữa.
Đây là một chủ đề gai góc, trên lộ trình hướng tới quan hệ đầy đủ giữa Cuba – Mỹ. Ý tưởng được bồi thường về bất động sản, cơ sở làm ăn bị tịch thu khiến hàng ngàn người Mỹ phấn khích. Họ từng mất nhà máy đường, nhà ở, cơ sở dọc lầu… sau khi quân của Fidel Castro thực hiện cuộc cách mạng Cuba.
Mọi người bắt đầu tìm hồ sơ cũ đã ố vàng, thuê luật sư rồi đặt câu hỏi: Liệu Cuba có quan điểm khác khi tiếp cận cuộc đàm phán lịch sử này?
Năm 1999, một tòa án từng tuyên chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về những cái chết cùng sự tổn thất, do Mỹ có những “chính sách hung hăng” chống lại Cuba, chính xác là vụ đổ bộ Vịnh Con Heo và lệnh cấm vận thương mại từng cấm công dân Mỹ và công ty Mỹ đến Cuba du lịch, làm ăn.
Với lý lẽ Mỹ bóp ngạt nền kinh tế Cuba và gây tổn thất không thể nào khắc phục hậu quả, tòa án Cuba đòi Mỹ phải đền bù 181 tỉ USD.
Phải thỏa đáng nếu không muốn tiếp tục bị cấm vận?
Tuần trước, khi đại diện pháp lý Bộ Ngoại giao Mỹ bay đến Havana để trình yêu cầu bồi thường của Mỹ, Cuba cũng nêu lại yêu cầu Mỹ bồi thường.
Một nữ quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên, nói với các nhà báo: “Chúng tôi biết họ tin rằng họ có hàng tỉ USD đòi bồi thường, liên quan việc tổn thất về người và tổn thất kinh tế, hậu quả của lệnh cấm vận của Mỹ. Tôi cho rằng chúng tôi còn nghe nhiều về việc này trong cuộc đàm phán”.
Bà không cho biết Cuba có đòi thêm tiền bồi thường hay không. Chưa rõ chính phủ Cuba đã xác định được bao nhiêu sự tổn thất.
Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc 2015, Cuba nói Mỹ nợ 121 tỉ USD. Giới truyền thông nhà nước Cuba nói Mỹ nợ tổng cộng 833,75 tỉ USD.
Josefina Vidal là Vụ trưởng Vụ Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba, nói với hãng tin AP sau cuộc nói chuyện song phương đầu tiên hồi mùa thu này:
“Đây là một vấn đề phức tạp. Tôi tưởng tượng rằng khi hai nước bắt đầu gặp nhau, một trong những điều chúng tôi phải thực hiện là làm rõ toàn bộ số tiền”.
Bà lưu ý: phán quyết của tòa án là từ 15 năm trước, theo ý có thể phải sửa đổi số các con số.
Các chuyên gia nói những người Mỹ đòi bồi thường chớ nên lo ngại việc Cuba đòi bồi thường quá lớn. Richard E. Feinberg, một cố vấn về Nam Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton, nói: “Đây là cuộc thương lượng và là quan điểm ban đầu của họ”.
Ông lưu ý: có lẽ quan chức Cuba đòi nhiều tiền vì đã họ không chú ý kỹ cuộc bầu cử quốc hội ngày 6.12 ở Venezuela, trong đó chính quyền thân Cuba lần đầu tiên thua phe đối lập từ 17 năm qua.
Cuba đã có một thời gian dài hỗ trợ tài chính cho chính phủ cánh tả ở Venezuela.
Theo ông Feinberg, Cuba hiện cần Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại và cách tốt nhất để họ đạt được điều này là giải quyết vụ bồi thường bất động sản của người Mỹ bị kê biên. Lệnh cấm vận Cuba do Mỹ áp từ năm 1962, sau một vụ tranh chấp bắt đầu từ việc Chủ tịch Fidel Castro quốc hữu hóa các công ty dầu mỏ Mỹ từ chối xử lý dầu thô Nga.
Mauricio J. Tamargo, một luật sư làm chủ tịch Ủy ban giải quyết bồi thường cho nước ngoài suốt 8 năm, nói: Mỹ – Cuba cần thỏa thuận công bằng, nếu không thì quốc hội Mỹ sẽ không bỏ phiếu thuận dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba.
Việc đòi bồi thường cũng cản trở việc tái lập hoạt động du lịch hàng không giữa hai nước, vì Cuba sợ máy bay bị tịch thu để thi hành án bồi thường do tòa án Mỹ tuyên, ông Feinberg nói.
Việt Nam đã đền bù cho Mỹ thế nào?
Nếu các cuộc đàm phán đạt tiến bộ, sẽ còn nhiều mô hình để các nhà đàm phán xem xét.
Các ví dụ thỏa thuận trước đây có nhiều hướng khác nhau, như phía đòi bồi thường chỉ nhận 10% số tiền họ đòi, không tính lãi.
Khi Bức tường Berlin sụp đổ, phía Mỹ đòi bồi thường nhận 100% giá trị tài sản, cộng lãi.
Tại Latvia, Estonia, Litva, Czech và Slovakia, tài sản bị tịch thu đôi lúc được trả về chủ gốc.
Ba Lan, Hungary, Bulgaria và Romania thường đề nghị bồi thường “không thỏa đáng, chỉ mang tính tượng trương và nhiều lúc không đền tiền”.
Năm 1979, Trung Quốc đồng ý bồi thường 80 triệu USD, qua đó, những người Mỹ đòi bồi thường nhận 39% giá trị tài sản bị mất.
Sau năm 1975, để bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Việt Nam đồng ý dùng tài sản bị chính quyền Mỹ niêm phong, để bồi thường 100% giá trị và 80% lãi.
Vĩnh Thụy (Theo New York Times)
Theo Một Thế Giới