Thay vì chuyển đổi thẳng từ USD sang VND rồi gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn và chịu rủi ro về tỷ giá và không chắc đã thu về đủ số USD ban đầu bỏ ra, có một cơ chế đánh tráo lãi suất giúp nhà đầu tư có cơ hội tối đa hóa lợi nhuận và hạn chế được rủi ro khi VND bị mất giá mạnh.
Trong bài trước người viết đã nói qua về cơ chế đánh tráo lãi suất theo kiểu nhà đầu tư dùng khoản tiền USD của mình làm thế chấp để vay VND sau đó gửi tiết kiệm và đổi ngược lại ra USD khi đến hạn và thu được một khoản lãi nào đó.
Cơ chế này cụ thể có thể diễn ra như sau. Vẫn giả sử nhà đầu tư huy động 1.000 USD bên ngoài Việt Nam với lãi suất 2%/năm trong 1 năm. Người này mang 1.000 USD về Việt Nam, gửi vào ngân hàng thương mại Việt Nam hưởng lãi 0% với kỳ hạn 1 năm. Người này dùng sổ tiết kiệm 1.000 USD thế chấp để vay từ ngân hàng nào đó được một khoản VND là 22,050 triệu trong 1 năm với lãi suất 7%/năm, tương đương với 980 USD theo tỷ giá 22.500 VND/USD. Lưu ý rằng như vậy ngân hàng cho vay VND chỉ cho vay bằng 98% số tiền USD dùng làm thế chấp để đề phòng trường hợp VND lên giá ít hơn hoặc bằng 2% sau 1 năm (một khả năng khá khó xảy ra trong bối cảnh của Việt Nam hiện tại). Nếu không làm vậy thì khi VND lên giá so với USD, số tiền gốc cho vay VND sẽ có thể trở nên có giá trị hơn số USD thế chấp, gây thiệt hại cho ngân hàng.
Tiếp theo, nhà đầu tư này đem gửi 22,050 triệu đồng vào ngân hàng cho kỳ hạn 1 năm, với lãi suất 7%/năm. Để đơn giản, ở đây ta giả sử không có chênh lệch kỳ hạn giữa tiền vay USD từ nước ngoài và tiền gửi USD vào ngân hàng ở Việt Nam. Và cũng không có chênh lệch kỳ hạn giữa tiền vay VND từ và gửi VND vào ngân hàng thương mại Việt Nam. Nói cách khác, tất cả các loại tiền gửi và vay đều bắt đầu cùng một ngày và đáo hạn vào cùng một ngày. Và cũng để đơn giản, ta giả sử lãi suất cho vay và gửi tiết kiệm VND đều là 7%/năm.
Sau 1 năm, nhà đầu tư thu được 23,594 triệu đồng từ khoản gửi tiết kiệm 1 năm của mình. Đến thời điểm này, tùy biến động của tỷ giá mà nhà đầu tư quyết định hành động tiếp theo. Ví dụ, giả sử VND mất giá tới 7,5% thành 24.188 VND/USD, nên số tiền VND này chỉ còn tương đương với 975 USD, tức là còn nhỏ hơn số tiền gốc 1.000 USD ban đầu gửi vào ngân hàng. Trong trường hợp này, nhà đầu tư tốt nhất là đem trả lại 23,594 triệu VND là số tiền gốc và lãi người này đã vay từ ngân hàng dựa trên hợp đồng vay thế chấp sổ gửi tiết kiệm 1.000 USD. Kết cục là nhà đầu tư không thu được lợi gì từ khoản đầu tư 1.000 USD nhưng bảo toàn được khoản vốn này so với trường hợp bán đứt 1.000 USD ngày từ 1 năm trước thu được 22,5 triệu rồi đem gửi tiết kiệm để rồi chỉ thu được 995 USD (=22,5 triệu VNDx1,07/24.188).
Nếu VND chỉ mất giá 2,2% thành 23.000 VND/USD thì số 23,594 triệu VND mà nhà đầu tư với 1.026 USD. Để hiện thực hóa lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất, nhà đầu tư chỉ cần đơn giản là đổi 23,594 triệu VND lấy 1.026 USD rồi bỏ đi, không quay trở lại ngân hàng để giải chấp khoản tiền vay 22,050 triệu VND cộng tiền lãi 1 năm (tổng cộng thành 23,594 triệu) nữa, và cũng tức là chấp nhận mất 1.000 USD gửi ở ngân hàng thương mại ban đầu. Nhưng bù lại thì nhà đầu tư vẫn có lãi 6 USD từ số tiền gốc và lãi vay USD từ nước ngoài ban đầu (1.020 USD).
Trường hợp VND không mất giá thêm sau 1 năm, tức tỷ giá vẫn là 22.500 VND/USD thì số tiền VND có trong tay nhà đầu tư lúc này sẽ tương đương với 1.048,6 USD (=23,594 triệu VND/22.500), và nếu nhà đầu tư không quay lại ngân hàng giải chấp nữa thì người này vẫn thu được 28,6 USD tiền lãi so với 1.020 USD gốc và lãi vay từ nước ngoài ban đầu. Tất nhiên là số lãi này sẽ nhỏ hơn trong trường hợp nhà đầu tư chuyển đổi ngay 1.000 USD tiền vay ban đầu ra thành 22,500 triệu VND rồi gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm hưởng lãi 7% để thu được 24,075 triệu VND, tức tương đương với 1.070 USD, nhưng đây chỉ là một may mắn cho nhà đầu tư vì tỷ giá đã không biến động. Nếu tỷ giá biến động theo hướng VND mất giá 7,5% như trên thì nhà đầu tư đã chịu lỗ nếu so với số tiền USD ban đầu đi vay.
Như vậy, cơ chế kinh doanh đánh tráo lãi suất nói trên tạo ra thêm cơ hội cho nhà đầu tư tối đa hóa lợi nhuận của mình trong khi hạn chế được rủi ro khi VND bị mất giá mạnh. Nói cách khác, thay vì chuyển đổi thẳng từ USD sang VND rồi gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn và chịu rủi ro về tỷ giá và không chắc đã thu về đủ số USD ban đầu bỏ ra, cơ chế đánh tráo lãi suất kể trên đảm bảo cho nhà đầu tư luôn bảo toàn và/hoặc thu được lợi nhuận tính theo USD ở các mức độ khác nhau tùy thuộc sự mất giá của VND trong tương lai.
TS. Phan Minh Ngọc
Theo Trí thức trẻ