Nam ca sĩ “Tình về nơi đâu” bày tỏ sự bức xúc khi hàng loạt game show tìm kiếm tài năng ca hát nhí được tổ chức khiến trẻ em không có thời gian để học hỏi, phát triển.
Sau Giọng hát Việt nhí mùa 1, Thanh Bùi từ chối tất cả những lời mời làm giám khảo các chương trình dành cho trẻ em. Anh chia sẻ thẳng thắn lý do những cuộc thi này không mang lại hiệu ứng tích cực mà khiến các em nhỏ và phụ huynh bị “ảo”.
– Sau khi làm huấn luyện viên tại mùa đầu tiên của Giọng hát Việt nhí rất thành công, Thanh Bùi dần chuyển sang làm giám khảo các cuộc thi dành cho người lớn. Phải chăng anh không còn hứng thú với các giọng ca nhí?
– Quan điểm của tôi về các chương trình truyền hình khi vừa mới xuất hiện là một sân chơi rất tốt để các em có thể thể hiện đam mê và năng khiếu âm nhạc. Nhưng hiện tại, tôi không còn niềm tin những chương đó mang đến những điều tích cực cho xã hội. Khi không có niềm tin thì tôi không thể làm được. Nếu nhận lời tôi chắc chắn sẽ làm hết sức, nhưng giờ tôi không thấy các cuộc thi đó có ý nghĩa gì nữa nên đành từ chối.
Thẳng thắn mà nói, các show truyền hình thực tế không vì nghệ thuật mà vì kinh doanh. Khi đó, tất cả những lựa chọn cũng sẽ bị tác động. Một sân chơi như thế không bao giờ lành mạnh và công bằng được.
– Nhiều chương trình tìm kiếm tài năng ca hát dành cho trẻ em sắp được tổ chức. Nhiều người cho rằng đây là tín hiệu mừng, giúp các em nhỏ yêu ca hát có cơ hội thể hiện đam mê. Nhưng cũng có ý kiến điều này sẽ khiến âm nhạc Việt Nam bão hòa. Quan điểm của anh về việc này như thế nào?
– Hàng ngày, có rất nhiều phụ huynh và em nhỏ đến trường của tôi và gửi email hỏi tôi cần phải học bao lâu để có thể đi thi The Voice Kids? Tôi trả lời thẳng đó không phải cách mà mình và các cộng sự đang làm. Chính những chương trình truyền hình thực tế đã cho các em định hướng “ảo” và quá sai lầm.
Tôi rất mong giá trị của nghệ thuật được định nghĩa lại thật chính xác, bởi nếu chỉ xem nghệ thuật là yếu tố giải trí và kinh doanh thì rất sai lầm. Tôi biết ai cũng phải làm việc để sống nhưng họ nên có trách nhiệm với văn hóa của mình. Đã đến lúc phải dừng lại các cuộc thi tìm kiếm tài năng để các em có thời gian học hỏi cơ bản, định hướng bản thân… Thị trường Việt Nam quá nhỏ thì tài năng không thể nào đủ để đáp ứng cho hàng loạt cuộc thi được.
Ngay cả như đất nước Mỹ có hơn 300 triệu dân, họ được đào tạo âm nhạc và nghệ thuật theo các tiêu chuẩn như vậy, nhưng American Idol cuối cùng cũng phải dừng lại.
– Anh có khuyến khích các học trò của mình tham gia các cuộc thi trên truyền hình?
– Không bao giờ! Tôi luôn muốn tạo ra các sân chơi để không chỉ các em có cơ hội rèn luyện khả năng nghệ thuật theo đúng đam mê của mình mà cho cả phụ huynh cũng an tâm, tin tưởng và hài lòng hơn vì các con em mình có được sự định hướng đúng, từ đó ngày càng phát triển và hoàn thiện bản thân.
Nếu các em muốn tham gia các cuộc thi, tôi sẽ chỉ khuyến khích tham gia khi đầy đủ sự tự tin, sự căn bản kiến thức và các tố chất cần thiết của người nghệ sĩ.
– Với những gia đình mang tâm lý cho con đi thi để được nổi tiếng, được đổi đời. Anh có những chia sẻ gì với họ?
– Bản thân tôi xuất thân từ một chương trình Idol của Úc, nhưng trước đó là cả quá trình 15 năm học tập và làm việc, ký hợp đồng với Universal, đi tour khắp châu Á và có 3 bài hit. Qua đó tôi muốn nhấn mạnh không có bất cứ con đường ngắn nào dẫn đến thành công cả.
Nhưng sau khi xem quá nhiều chương trình truyền hình thực tế, các em mặc định rằng: “Một em có thể từ zero trở thành hero” chỉ sau vài tháng. Ngược lại, như Tiên Tiên, cô ấy bị loại khỏi Giọng hát Việt từ sớm nhưng giờ đây được xem như một hiện tượng. Đó là nhờ Tiên Tiên có một căn bản nhạc lý rất vững, có thể tự sáng tác, chơi nhiều nhạc cụ, khả năng hát live. Nhờ những nền tảng đó mới có thể xây dựng được lâu dài, chuyện gì cũng phải có quá trình chứ không thể tự nhiên một bước lên mây được.
Nhìn tuổi thơ và sự hồn nhiên của một đứa bé bị mất đi khi phải bước chân vào một chương trình, quả thật rất tội nghiệp và rất thiệt thòi. Nhiều em còn có hiện tượng “chạy show”, bên này chưa đậu sẽ chạy sang cuộc thi khác. Mãi mãi cũng chỉ là vậy mà thôi!
Xét cho cùng, trẻ em không nên là dụng cụ để kiếm tiền với bất cứ hình thức nào. Nhưng tất cả cũng chỉ vì người lớn mà thôi. Còn nếu có một sân chơi lành mạnh, tôi tin rằng chắc chắn các em sẽ có thể phát huy rất tốt các khả năng của mình.
– Theo kinh nghiệm và quan điểm của anh, làm cách nào để từ một tài năng bước ra từ cuộc thi có thể được vun đắp thành một nghệ sĩ thật sự?
– Cần phải trau dồi tất cả mọi thứ bởi vì danh hiệu cuối cùng cũng chẳng là gì cả. Cuộc thi rốt cuộc cũng là một sân chơi, chẳng thể làm nên chuyện. Bao nhiêu cuộc thi là bấy nhiêu quán quân, nhưng có mấy người được nhớ đến? Muốn làm gì cũng phải bắt đầu từ cơ bản và đam mê thật sự, chứ không chỉ vì sự nổi tiếng.
Thời gian gần đây tôi có tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam thời kỳ những năm 1990 – 2000, hay nhiều người còn gọi là “giai đoạn vàng”. Ngày xưa, chúng ta có những ngôi sao thật sự như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Lam Trường… Tôi nói chuyện với vợ, với các chị và mọi người đều chung một cảm nhận rằng thời điểm đó mọi thứ rất tuyệt vời và hạnh phúc. Tôi cũng cảm nhận rằng khi nói về những năm đầu tiên này, mọi người đều nở một nụ cười từ sâu thẳm bên trong họ. Còn bây giờ nụ cười đấy không còn tồn tại nữa.
Những thế hệ nghệ sĩ đầu tiên trải qua quá nhiều khó khăn để có ngày hôm nay, còn hiện tại chỉ cần một cuộc thi, một bản cover hay thậm chí chỉ cần một phát ngôn cũng đủ làm người của công chúng. Khi một thứ có được quá dễ thì nó cũng không còn giá trị nữa.
– Là người làm việc gần gũi với trẻ em Việt Nam, anh đánh giá thế nào về khả năng tiếp thu cũng như cơ hội phát triển trong âm nhạc của các em?
– Các em rất có tiềm năng, nhưng có nhiều thứ bị tác động nên bị hạn chế cơ hội phát triển. Thứ nhất là tư duy phụ huynh rằng âm nhạc là một thứ “có cũng được, không có cũng không sao” chứ chưa cảm được tầm quan trọng của nó.
Tôi chỉ lấy ví dụ như Albert Einstein – nhà khoa học vĩ đại của nhân loại nhưng đồng thời cũng là một người rất giỏi về âm nhạc. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra học âm nhạc là cách xây dựng được con người hoàn thiện nhất có thể, sự tự tin, sáng tạo, cách làm việc nhóm. Quan trọng là các em được sống thật với cảm xúc của chính mình.
Hay như tôi, nhờ có âm nhạc mà có thể thấy và cảm nhận được rất nhiều điều mà không phải ai cũng làm được. Trong vài năm nữa, khi hàng triệu trẻ em Việt Nam đều giỏi toán, Anh văn như nhau, lúc đó âm nhạc và nghệ thuật chính là thứ quyết định sự khác biệt trong tư duy, tính cách, sự nhạy cảm của các em. Nhưng một lần nữa, cũng vì suy nghĩ của người lớn mà trẻ em Việt Nam chưa thể bằng các nước phát triển khác.
Tôi cũng mong mọi người cùng nhau định hướng lại cách suy nghĩ về hai chữ nghệ sĩ bởi nhiều phụ huynh mặc định con em mình học nhạc là sẽ trở thành ca sĩ. Điều đó khiến họ e dè bởi môi trường showbiz Việt hiện nay quá hỗn loạn. Bên cạnh đó còn rất nhiều thứ từ báo chí đến show truyền hình đã tác động đến tài năng của các em. Cách giáo dục âm nhạc cũng nên thay đổi để theo đúng với bối cảnh hiện tại, để từ đó, nền âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam có thể phát triển đúng đắn và tiến xa hơn nữa, nhưng tôi nghĩ những điều này rất khó để thay đổi trong thời gian ngắn.
Phương Giang
Theo Zing