FPT Shop đã tăng trưởng rất nhanh thành một thế lực lớn trong ngành, nhưng điều không vui đối với ông Trương Gia Bình là Thế giới Di động vốn dĩ đã dẫn đầu lại còn tăng trưởng nhanh hơn.
Tại ĐHCĐ thường niên cách đây 2 năm, đại diện quỹ Caravel Fund – 1 trong 10 cổ đông lớn nhất của FPT – đã có một chia sẻ khá dài phân tích lĩnh vực thương mại là lĩnh vực rủi ro nhất của FPT và FPT nên bán mảng này đi để đảm bảo cho hiệu quả hoạt động của cả tập đoàn.
Lúc đó, ban lãnh đạo FPT không hề hứng thú trước lời đề nghị này. Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, ông Trương Gia Bình lại bất ngờ đề cập đến khả năng bán đi mảng kinh doanh thiết bị trước toàn thể Đại hội đồng cổ đông của công ty.
Suốt năm qua, không có một thông tin cụ thể nào được công bố liên quan đến chủ trương bán đi FPT Shop và FPT Trading.
FPT Shop chỉ mất 3 năm để đạt tăng doanh thu từ 1 nghìn lên 8 nghìn tỷ. Kế hoạch 2016 của FPT Shop là giả định tăng trưởng 50% do tác giả đưa ra
Hai năm sau lời khuyến nghị của Caravel Fund, FPT Shop đã vươn lên trở thành “thế lực” lớn thứ 2 trong ngành bán lẻ điện thoại và thiết bị di động. Tốc độ tăng trưởng của FPT Shop thực sự rất ấn tượng: chỉ mất ba năm đã tăng doanh thu từ 1 nghìn tỷ lên 8 nghìn tỷ đồng, tương đương với doanh thu của Nguyễn Kim. Năm 2015 cũng là năm đầu tiên FPT Shop có lợi nhuận đáng kể với 180 tỷ đồng.
Trong khi triển vọng của FPT Shop khá sáng sủa thì tăng trưởng lại là bài toán khó đối với công ty phân phối FPT Trading. Mặc dù vẫn là một trong ba đơn vị đóng góp lợi nhuận lớn nhất của tập đoàn nhưng vai trò của các công ty phân phối đồ công nghệ đang giảm dần khi mà các tập đoàn điện tử lớn có xu hướng bán trực tiếp cho nhà bán lẻ.
Theo công ty chứng khoán VPBS, hoạt động của FPT Trading bị tác động đáng kể từ quý 4/2015 khi mà FPT Shop và Thế giới Di động được nhập trực tiếp iPhone từ Apple. Tính chung cả năm, doanh thu của công ty sụt giảm nhẹ.
Ngày càng bị Thế giới Di động bỏ xa
Triển vọng của FPT Trading không phải là vấn đề duy nhất khiến ban lãnh đạo FPT phải đau đầu trong mảng phân phối bán lẻ. Một vấn đề hiện hữu khác nằm ở việc mặc dù tăng trưởng rất mạnh nhưng FPT Shop ngày càng bị Thế giới Di động bỏ xa. Đây có thể là vấn đề then chốt quyết định đến việc giá trị chuyển nhượng FPT Shop một khi FPT quyết định bán đi.
Nếu như trong năm 2012-2013, khoảng cách doanh thu giữa Thegioididong.com và FPT Shop chỉ ở dưới mức 5.000 tỷ thì đến năm 2013 đã là hơn 8.000 tỷ và năm 2014 lên thành gần 13.000 tỷ. Trong năm 2016, giả sử Thegioididong.com tăng trưởng khoảng 23% và FPT Shop tiếp tục tăng 50% thì khoảng cách thậm chí vẫn rộng ra.
Nguyên nhân là Thế giới Di động đã rất quyết liệt mở rộng hệ thống trong thời gian vừa qua. Số lượng cửa hàng mở mới trong năm của họ gần bằng số lượng cửa hàng FPT Shop tính đến cuối năm 2015.
Theo số liệu do chính Thế giới Di động đưa ra thì hệ thống Thegioididong.com của họ đang dẫn đầu thị phần bán lẻ điện thoại di động chính hãng với khoảng 30% thị phần. Trong khi đó, dù đứng ở vị trí thứ 2 nhưng FPT Shop mới chỉ đạt 10%.
Con số này khá tương đồng với doanh thu năm 2015 mà 2 đơn vị này đã công bố: Thegioididong.com đạt 20.800 tỷ còn FPT Shop đạt 7.800 tỷ.
Với lĩnh vực cạnh tranh gay gắt cùng biên lợi nhuận khá mỏng thì lợi nhuận gần như chỉ thuộc về doanh nghiệp dẫn đầu, cơ hội còn rất ít cho những doanh nghiệp đứng sau.
Dù sao thì quá trình tăng tốc của FPT Shop vẫn là một câu chuyện rất ấn tượng, công ty này cũng bắt đầu vào giai đoạn gặt hái lợi nhuận. Do đó, một khi FPT đã có chủ trương bán đi mảng kinh doanh này thì bây giờ đang là thời điểm rất thích hợp để ra quyết định.
Theo một số chuyên gia phân tích, nếu áp dụng một số chỉ số định giá của Thế giới Di động áp dụng cho FPT Shop, thì giá trị của FPT Shop sẽ rơi vào khoảng 150-200 triệu USD – con số rất đáng kể chỉ sau vài năm tập trung đầu tư.
Việc bán đi FPT Shop cùng công ty phân phối FPT Trading sẽ giúp FPT cho được thêm nguồn tài chính rất lớn để đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ cốt lõi của mình, chẳng hạn như mua lại 50% cổ phần của FPT Telecom từ SCIC.
Kiến Khang
Theo Trí thức trẻ