Đến Việt Nam du lịch, anh chàng người Hà Lan đã trúng tiếng sét ái tình của cô gái Việt và quyết định chọn Việt Nam làm quê hương thứ 2.
Hàng ngày, anh chàng thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cho một ngày buôn gánh bán bưng ở Sài Gòn.
Giờ tan tầm, đi ngang vỉa hè trước nhà số 174 Dương Bá Trạc, quận 8, nhiều người rất ngạc nhiên trước hình ảnh một anh chàng nước ngoài cao lớn đang quạt phành phạch bếp than hồng và lui cui nướng xúc xích. Bên cạnh, một cô gái thấp bé, tay thoăn thoắt lấy những chiếc xúc xích còn nóng hổi, cắt ra cho vào những ổ bánh mì, trao cho khách.
Tình yêu chân thành đã gắn chặt cuộc đời của Cliford Alexander Van Toor (sinh năm 1976) và Phạm Thị Lan Trinh (sinh năm 1984) lại với nhau. Chiều chiều, họ đèo nhau trên chiếc xe máy, mang theo lỉnh kỉnh tương ớt, xúc xích, nồi bếp… ra vỉa hè này, cùng nhau mưu sinh giữa dòng đời nhộn nhịp.
Chiều nào cũng vậy, bà Trần Thị Ngọc Liên đều ra đây phụ bán cùng với con gái và chàng rể ngoại quốc. Bà Liên cười giòn: “Tôi không biết tiếng Anh, tiếng U nên không đọc được hết cái tên dài ngoằng của nó. Nghe con Trinh gọi nó là Líp, tôi cũng gọi vậy. Nói chuyện với nó tôi phải… diễn xuất, huơ tay, nhưng nó hiểu hết trơn”.
Ngồi đổ tương ớt vô mấy cái chai, bà Liên cho biết chàng rể Tây của mình rất kỹ tính, sạch sẽ, không chịu lấy tương ớt trôi nổi để bán cho khách. Bà nói thà lời chút đỉnh nhưng làm ăn đàng hoàng, khách đến đông sẽ lấy số nhiều bù lại.
“Nó là người nước ngoài nhưng hiền lành và siêng năng, biết chí thú làm ăn. Cả nhà tôi ai cũng thương nó. Trước Tết, nó dẫn cậu của nó từ Hà Lan sang, làm đám cưới với con Trinh đó”, bà Liên vui vẻ kể.
Bà Liên khoe chàng rể Tây của mình đã được “Việt hóa”, không khác gì những người Việt Nam khác. Bà nói: “Nó không thích ăn các món Tây. Món ăn Việt nó thích lắm. Ăn được luôn cà pháo, mắm tôm nữa. Được cái nó rất thương vợ, chuyện gì cũng giành làm. Bây giờ nó không khác gì những đứa thanh niên trong xóm hết”.
Khách ghé vào mua bánh mì và xúc xích liên tục. Không rành tiếng Việt, anh chàng Líp chỉ biết chăm chú vào những khoanh xúc xích đang nướng. Mồ hôi rịn ra ướt trán, hơi nóng của bếp làm da đỏ hồng, thỉnh thoảng anh chàng Líp quay qua nhìn vợ, cười tủm tỉm.
Hai cuộc đời xa lạ đã gắn chặt nhau nhờ bức ảnh
Mối tình của cô gái Phạm Thị Lan Trinh và Líp, có thể nói là duyên nợ. Ông tơ bà nguyệt đã se duyên cho hai mảnh đời cách xa nhau hàng chục ngàn km, chưa từng quen nhau, yêu nhau chưa tròn năm, đã nên vợ, thành chồng…
Lan Trinh kể về cuộc tình Việt Nam – Hà Lan của mình: “Trước đây tôi làm nhân viên ở một cửa hàng bán áo dài trên đường Nguyễn Huệ. Một khách Hà Lan đang du lịch ở Việt Nam, trước khi về nước đã đến cửa hàng lựa mua áo dài. Anh này có xin chụp chung với tôi tấm ảnh. Khách nước ngoài vẫn thường chụp hình kỷ niệm với nhân viên cửa hàng nên tôi rất vui vẻ nhận lời. Không ngờ, nhờ tấm ảnh đó, sau này cuộc đời tôi đã gắn với Líp”.
Vài tháng sau, Lan Trinh đón tiếp một anh chàng Tây khác đến cửa hàng. Nhìn những cử chỉ lúng túng của anh chàng, Lan Trinh chẳng hiểu vì sao. Khi anh mở điện thoại cho cô xem một bức ảnh, Lan Trinh rất ngạc nhiên nhận ra bức ảnh mình đã chụp chung với vị khách nước ngoài lần trước.
Líp thật thà cho kể cho Lan Trinh biết lý do mình có được bức ảnh mang tính riêng tư đó. Anh nói sau khi về Hà Lan, người bạn thân đã kể cho anh nghe về chuyến du lịch thú vị ở Việt Nam, cũng như về những con người thân thiện ở đó. Người bạn này còn nhiệt tình giới thiệu: “Tao có biết một cô bé này hay lắm. Mày thử đến Việt Nam du lịch một chuyến cho biết, sẵn tìm cô ta làm quen đi”.
Nghe người bạn kể, Líp thích lắm. Đang rảnh rỗi, sẵn máu phiêu lưu trong người, chàng Líp quảy ba lô, quyết định đến Việt Nam du lịch. Hành trang quan trọng mà Líp mang theo chính là bức ảnh của người bạn thân chụp chung với cô gái Việt Nam xa lạ, cùng mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ cửa hàng cô ấy đang làm.
Lan Trinh cười: “Không hiểu sao, lần đầu tiên gặp Líp, tôi cảm nhận được ngay sự chân thành, ấm áp. Tôi đã dẫn anh đi tham quan dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Nhà hát Thành phố… Líp thích lắm”.
Líp cũng chân thành kể cho cô gái Việt Nam nghe về cuộc sống của mình ở Hà Lan. Mẹ mất vì bệnh ung thư lúc anh mới 8 tuổi, cha bước thêm bước nữa, anh sống cùng bà ngoại. Sau khi giải ngũ, anh đi làm công nhân ở một xưởng cơ khí, cuộc sống khá chật vật.
Lan Trinh xúc động: “Líp không ngại nói mình nghèo ngay từ đầu, chứ không nói những lời phù phiếm xa hoa. Chính điều bình dị đó đã làm tôi yêu anh ấy”.
Ở lại Việt Nam sống và theo nghề buôn gánh bán bưng
Yêu Lan Trinh say đắm, Líp đã quyết định ở lại Việt Nam lập nghiệp. Líp nói với Lan Trinh: “Anh thích người Việt Nam hiền hòa và cuộc sống thư thả ở Sài Gòn. Ở Hà Lan, người ta chỉ biết công việc, không còn thời gian nghỉ ngơi, rất tẻ nhạt”.
Cuộc sống ở Sài Gòn không đơn giản. Ngay cả người bản địa còn khó kiếm tiền, huống chi Líp là một người nước ngoài chân ướt chân ráo, ngôn ngữ bất đồng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Líp đã liên hệ được với một người bạn quốc tịch Đức, cũng đang khao khát lập nghiệp ở Việt Nam.
Lan Trinh nhớ: “Líp nói với tôi là có một người bạn thân sẽ chia lại xúc xích thô để anh ấy bán dạo. Chỉ cần chiếc xe máy, cái bếp, vài lọ tương ớt… là hai đứa có thể kiếm sống được rồi”.
“Tôi có công ăn chuyện làm ổn định và đang học tại chức hệ cao đẳng ngành kinh tế, sắp tốt nghiệp để làm ở một công ty xuất nhập khẩu, nghe anh rủ đi buôn gánh bán bưng thế này, tôi đắn đo lắm. Trước khi quyết định, tôi hỏi Líp một câu: Anh có chịu nổi cảnh công an rượt đuổi khi buôn bán lấn chiếm lòng lề đường không? Líp cười và gật đầu. Vậy là tôi bỏ hết mọi thứ vì anh ấy”.
Lan Trinh dạy cho Líp vài câu tiếng Việt đơn giản để anh có thể nói chuyện với khách: Cám ơn, bánh mì 25.000 đồng/ổ… Những ngày đầu, Líp và Lan Trinh đã chọn vỉa hè trước Sân vận động Hoa Lư để làm nơi mưu sinh. Thấy ông Tây trẻ hiền lành, lại bán bánh mì xúc xích ngon, giá rẻ… nên rất đông người đến mua ủng hộ. Nhiều bữa, khách đậu xe chật cả lề đường và bị trật tự đô thị đến đuổi. Líp và Lan Trinh phải nhanh chân gom đồ chạy, nếu không muốn bị phạt…
“Thấy Líp là người nước ngoài nhưng siêng năng, chí thú làm ăn nên một chú là cựu chiến binh nói với anh em trật tự đô thị du di. Bán được khoảng 6 tháng, một anh trật tự đô thị đến nói: Chúng tôi không nỡ đuổi hai vợ chồng cô, nhưng không thể giúp hoài, bị cấp trên khiển trách là kẹt cứng đó. Cô nói với Líp tìm chỗ khác bán giùm”, Lan Trinh nói.
Không thể lợi dụng lòng tốt của người khác, Líp và Lan Trinh dò la tìm chỗ mới, bỏ hết những khách quen, làm lại từ đầu. Hiện nay họ đang bán tại vỉa hè đường Dương Bá Trạc, quận 8.
Mỗi ngày, trong khi Lan Trinh còn đang ngủ, Líp đã lọ mọ thức dậy từ 4 giờ khuya, chuẩn bị tương, ớt, rau xà lách, bếp núc… Anh và vợ phải có mặt ở vỉa hè lúc 5 giờ sáng để kịp bán cho các học sinh đến trường. Bán đến trưa, vợ chồng chàng Tây về nhà nghỉ ngơi, lấy sức để 15 giờ dọn ra bán tiếp đến tối khuya. Quần quật như vậy, mỗi ngày họ bán được khoảng 300 ổ bánh mì xúc xích.
“Có bữa đang bán, trời mưa lớn, Líp chịu lạnh, nhường cho tôi chiếc áo mưa, ôm tôi cho ấm. Những lúc đó, tôi cảm nhận rõ nét nhất tình yêu của anh”, Lan Trinh xúc động.
Là người sống thiếu vắng tình thương của cha mẹ từ nhỏ, Líp có tình cảm đặc biệt với những trẻ em mồ côi Việt Nam. Thỉnh thoảng, anh chàng rủ vợ chất hết “bếp núc” lên xe… tìm đến mái ấm từ thiện Mai Liên ở quận 8. Những đứa trẻ ở đây rất thích ăn món bánh mì xúc xích được chế biến tại chỗ của “chú Líp”.
Líp nói qua phiên dịch của vợ: “Tôi cầu mong bề trên phù hộ cho tôi làm ăn thuận lợi, để tôi có điều kiện giúp đỡ những đứa trẻ thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Tôi yêu Việt Nam nhiều lắm!”.
Lê Ngọc Dương Cầm
Theo Một Thế Giới