Trung Quốc vừa phê duyệt kế hoạch xây dựng 10 lò phản ứng hạt nhân mới với tổng vốn đầu tư 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 27,7 tỷ USD), đánh dấu bước tiến lớn trên hành trình vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có năng lực sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Kế hoạch này đã được thông qua tại cuộc họp điều hành của Quốc vụ viện Trung Quốc vào tháng trước. Trong số 10 lò phản ứng, 8 lò là loại Hualong One thế hệ thứ ba – được Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) và Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) tuyên bố phát triển độc lập dựa trên công nghệ lò phản ứng nước áp lực (PWR) của Mỹ và Pháp.
Hai lò còn lại là loại CAP1000, phát triển từ mẫu lò AP1000 do Westinghouse (công ty có trụ sở tại Mỹ) thiết kế.

Tổng công suất phát điện dự kiến của 10 lò phản ứng này lên tới khoảng 12.000 megawatt (MW). Các lò sẽ được xây dựng tại các tỉnh ven biển gồm Sơn Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Việc vận hành các nhà máy sẽ do CNNC và CGN đảm nhiệm, cùng với sự tham gia của các tập đoàn năng lượng nhà nước như Tập đoàn Đầu tư điện lực Trung Quốc (SPIC) và Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc (China Huaneng Group).
Chính phủ Trung Quốc đã khởi động chương trình phát triển năng lượng hạt nhân từ những năm 1980, chủ yếu dựa trên công nghệ từ Pháp và các quốc gia khác. Tuy nhiên, sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật Bản năm 2011, Bắc Kinh đã siết chặt các tiêu chuẩn an toàn và tạm dừng cấp phép xây dựng nhà máy mới.
Tới năm 2019, các dự án điện hạt nhân bắt đầu được phê duyệt trở lại và từ năm 2022, tốc độ xây dựng đã tăng mạnh, trung bình khoảng 10 lò phản ứng mỗi năm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem năng lượng hạt nhân là một phần cốt lõi trong chiến lược cắt giảm ô nhiễm không khí. Ông nhấn mạnh việc thay thế xe chạy xăng bằng xe điện để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, hiện chiếm khoảng 70% lượng dầu thô tiêu thụ tại Trung Quốc, qua đó tăng cường an ninh năng lượng. Cùng với đó, điện hạt nhân cũng được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2020, Chủ tịch Tập cam kết Trung Quốc sẽ đạt mức phát thải carbon dioxide cao nhất trước năm 2030 và đạt phát thải ròng bằng 0 trước năm 2060.
Tính đến cuối năm 2024, Trung Quốc có 57 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động với tổng công suất đạt 59.760 MW – đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Pháp, theo báo cáo tháng 4 của một tổ chức công nghiệp hạt nhân trực thuộc chính phủ Trung Quốc.
Dự báo đến năm 2030, công suất phát điện hạt nhân của Trung Quốc sẽ đạt 110.000 MW. Nếu xu hướng xây dựng hiện nay trên toàn cầu không thay đổi, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và Pháp để vươn lên dẫn đầu thế giới về năng lực sản xuất điện hạt nhân.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê chính phủ, điện hạt nhân mới chỉ chiếm 4,7% tổng sản lượng điện của Trung Quốc trong năm 2024. Trong khi đó, các nguồn điện truyền thống, chủ yếu là than đá và nhiên liệu hóa thạch, vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, ở mức 67,4%. Báo cáo dự đoán tỷ trọng điện hạt nhân sẽ tăng lên 10% vào năm 2040.
Tại Mỹ, chi phí xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn đã tăng vọt, dẫn đến sự đình trệ trong các dự án mới. Một ví dụ điển hình là dự án nhà máy hạt nhân lớn tại bang Georgia, khiến Westinghouse phá sản và gây thiệt hại nặng cho công ty mẹ Toshiba.
Châu Âu cũng đang đối mặt với xu hướng gia tăng chi phí xây dựng tương tự. Trong khi đó, Trung Quốc lại áp dụng mô hình xây dựng liên tiếp bởi các doanh nghiệp nhà nước, giúp nâng cao hiệu quả, tích lũy kinh nghiệm và kiểm soát tốt chi phí.
Theo Nikkei Asia
Hải Đăng / Vietnamfinance.vn