Khoảng 7 giờ sáng ngày 2/4, kênh YouTube MixiGaming có hơn 7,3 triệu người theo dõi của streamer Độ Mixi đã bị hacker tấn công chiếm quyền, đổi tên thành Ripple, đồng thời đăng tải nhiều video lừa đảo về tiền điện tử, gây thiệt hại lớn cho “khổ chủ”.
Ngay sau khi đổi tên YouTube thành Ripple, tin tặc đã tiến hành đăng tải 2 video clip trực tiếp về tiền điện tử với nội dung tự báo giá của tiền ảo XRP. Các video trước đó cũng như thông tin, hình ảnh của Độ Mixi hiện đều đã bị ẩn đi.
Trong 2 đoạn video clip phát trực tiếp, tin tặc đã gửi kèm thông điệp phát miễn phí 8 triệu đồng XRP cho người xem trực tiếp, kèm theo một đường link để lôi kéo mọi người truy cập. Đáng lưu ý, đây là đường link trang web có chứa mã độc nhằm lấy cắp thông tin của người dùng. Với sức “nóng” của kênh, 2 video phát trực tuyến này nhanh chóng thu hút lớn lượng người xem, có thời điểm lên tới gần 180.000 mắt xem.
Đây không phải là lần đầu tiên một kênh Youtube có lượng người theo dõi lớn tại Việt Nam bị hacker chiếm đoạt, sau đó đăng video lừa đảo về tiền điện tử. Trước đó vào cuối tháng 5/2022, FapTV, kênh Youtube của nhóm hài cùng tên, với hơn 13,3 triệu người theo dõi, cũng đã bị hacker tấn công, chiếm quyền điều khiển. Tin tặc cũng đính kèm theo một đường link lừa đảo, đề nghị người dùng gửi tiền điện tử đến một số tài khoản, sau đó họ sẽ được nhận lại gấp đôi số tiền đã gửi. May mắn, FapTV đã nhanh chóng lấy lại kênh Youtube của mình chỉ sau vài giờ bị chiếm đoạt.
Độ Mixi hiện đang là một trong 4 streamer nổi tiếng nhất tại Việt Nam cùng với PewPew, Xemesis và VirusS. Nhờ sở hữu lượng người theo dõi lớn và mạnh về tương tác trên nhiều nền tảng giúp Độ Mixi nhận được lượng hợp đồng quảng cáo lớn, đến từ các tựa game nổi tiếng tại Việt Nam hiện nay như Liên Quân Mobile, FIFA Online, Tốc Chiến… Streamer này cũng tham gia vào các gameshow thực tế để tăng độ “hot” cho thương hiệu của bản thân…
Việc bị hack kênh YouTube có thể khiến Độ Mixi bị thiệt hại vô cùng lớn. Bên cạnh số tiền mà YouTube phải trả hàng tháng, còn các nguồn tiền đến từ quảng cáo cho các thương hiệu và các nguồn thu khác có liên quan. Nếu không sớm lấy lại được kênh, Độ Mixi khả năng sẽ phải bắt đầu lại từ điểm xuất phát, sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức mà không biết có lại được như xưa.
Theo thống kê của Social Blade cho thấy, chi phí cho mỗi 1.000 lượt quảng cáo (CPM) trên YouTube nằm trong khoảng từ 0.25-4 USD. Khi đối chiếu với kênh của Độ Mixi, ước tính số tiền thu được hàng tháng dao động trong khoảng từ 14.000 USD đến 235.000 USD.
Với thị trường Việt Nam, các YouTube thường nhận được từ 0,3-0,7 USD trên 1.000 lượt xem, thậm chí thấp hơn vì số tiền thực nhận còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chỉ số RPM (Revenue per mille) hay doanh thu mỗi 1.000 lần hiển thị, tỷ lệ chuyển đổi từ xem quảng cáo đến quyết định mua hàng.
Do có nhiều người sử dụng thủ thuật (tip, trick) để câu view bất chấp, lượng lượt xem ở thị trường Việt Nam thường có điểm tín nhiệm không cao. Trong trường hợp đặt quá ít quảng cáo hoặc lượng người click vào quảng cáo quá thấp, tỷ lệ RPM của một kênh YouTube Việt Nam có thể tụt xuống 0,1 hoặc 0,2 USD/1.000 lượt xem, thậm chí về mức 0.01 USD/1.000 lượt xem.
Từ các yếu tố kể trên, ước tính thu nhập từ kênh YouTube MixiGaming của Độ Mi Xi (với 52,8 triệu lượt xem trong tháng qua), nếu áp đơn giá thấp 0,2 USD, số tiền Phùng Thanh Độ kiếm về là khoảng 10.500 USD, tương đương 350 USD/ngày (khoảng 8,7 triệu đồng). Thời gian bị chiếm đoạt tài khoản càng kéo dài thì thiệt hại với Độ Mixi càng lớn.
Nguyên Đỗ / Đời sống Pháp luật