Lùm xùm bữa ăn 800.000 đồng ở đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia là hồi chuông nhắc nhở cho ngành thể dục thể thao trong vấn đề chăm sóc cho vận động viên.
Cục Thể dục thể thao (TDTT) cần có câu trả lời thỏa đáng về lùm xùm bữa ăn 800 nghìn đồng mà vận động viên ăn không đủ no. Cơ quan quản lý nợ ngành thể thao và dư luận một kết luận rõ ràng về chuyện có hay không tình trạng vận động viên tuyến trẻ hưởng chế độ tiền ăn 320 nghìn đồng/người/ngày mà thực tế chỉ là những bữa cơm nghèo nàn cả về chất lẫn lượng.
Dư luận “nấu cơm” cho vận động viên
Chế độ của Nhà nước dành cho các vận động viên trẻ chưa cao, nhưng cũng không phải là thấp. Theo quy định tại Thông tư số 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, khi tập huấn trong nước, các VĐV thuộc đội tuyển trẻ Quốc gia được hưởng chế độ ăn 320 nghìn đồng/người/ngày. Số tiền này được phân bổ cho 3 bữa ăn chính trong ngày của các vận động viên, có nghĩa là chế độ mỗi bữa ăn của một VĐV đội tuyển trẻ quốc gia trung bình khoảng 100 nghìn đồng/bữa.
Dù thời giá thực phẩm tại Hà Nội không phải rẻ nhưng 320 nghìn đồng/người/ngày chắc chắn là mức chi đủ xây dựng một thực đơn tươm tất, ít nhất là đáp ứng yếu tố đủ chất. Tuy nhiên, thực tế bữa cơm đến miệng vận động viên lại là câu chuyện khác. Hình ảnh được cho là mâm cơm 8 người của đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia được báo chí phản ánh và cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi những ngày qua khó có thể đáng giá đến 800 nghìn đồng.
Bức ảnh và các nội dung liên quan trở thành chất liệu cho cộng đồng mạng, từ những trò đùa cho đến những cuộc tranh luận, bàn tán. Mạng xã hội xuất hiện trào lưu “nấu cơm” cho vận động viên, ở đó người ta thi nhau xem với 800.000 đồng sẽ nấu được bàn tiệc thịnh soạn ra sao.
Câu “có thực mới vực được đạo” áp dụng trực tiếp cho ngành thể thao. Liên quan đến vấn đề thể chất, chế độ ăn uống, dinh dưỡng phải là nền tảng quan trọng hàng đầu. Đối với các vận động viên trẻ, những người đang ở tuổi ăn tuổi lớn và còn tập luyện thể thao chuyên nghiệp, chuyện bữa ăn càng đáng quan tâm hơn.
Chế độ dành cho các vận động viên được quy định rõ ràng, nhưng dư luận vẫn phải “nấu cơm” hộ cho ngành thể thao.
Tất nhiên, đó chỉ là câu chuyện mang tính hình tượng. Vấn đề sâu xa đáng dể đưa ra mổ xẻ, cần sự chú ý của các cơ quan quản lý từ Bộ VHTT&DL, Cục TDTT và các trung tâm huấn luyện, đội tuyển là vấn đề quản lý, chăm sóc các vận động viên cũng như giám sát thế nào để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho quá trình tập huấn.
Phải có câu trả lời rõ ràng
Vụ lùm xùm bữa ăn 800 nghìn đồng không chỉ dừng lại ở mâm cơm. Ông Bùi Xuân Hà – huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia vừa bị cho dừng tập huấn – bị tố thu tiền của vận động viên ngoài quy chế, quy định, không minh bạch. Giải trình của người thầy rằng chỉ “tạm thu”, “cầm hộ”, “cuối năm trả” chưa phải câu trả lời thỏa đáng, giải đáp được những thắc mắc của dư luận.
Cộng đồng mạng và những người quan tâm thể thao đặt dấu hỏi liệu câu chuyện này có xảy ra ở các đội tuyển khác, bộ môn khác? Nếu kiểm tra toàn diện từng bữa ăn ở từng bộ môn, từng tuyến đào tạo vận động viên, liệu có bao nhiêu mâm cơm 800 nghìn đồng ăn không đủ no xuất bị phát hiện? Sau khi vấn đề lần này được giải quyết, các đội tuyển sẽ được ăn no trong bao lâu?
Đó là câu hỏi mà các nhà quản lý thể thao phải đi tìm câu trả lời rõ ràng. Cục TDTT lắng nghe phản biện xã hội nhưng việc dừng triệu tập 2 HLV của đội bóng bàn trẻ chưa phải cách làm đi đến tận cùng vấn đề. Nếu việc giải trình không rõ ràng, xác định có sai phạm nghiêm trọng, chiếm đoạt ngân sách Nhà nước, tính chất nghiêm trọng của vấn đề sẽ lớn hơn rất nhiều.
Câu trả lời của các cơ quan quản lý không phải chỉ là việc công bố kết luận trước công chúng, mà là sự phản hồi lại cho toàn bộ ngành thể thao Việt Nam. Có rất nhiều câu hỏi cần được nghiêm túc nhìn nhận lại, ví dụ như mức thu nhập, tiền công của các HLV, đặc biệt là ở tuyến trẻ có đủ để họ tập trung tối đa cho công việc. Hy sinh, tận hiến là điều thường thấy trong thể thao. Nhưng, các vận động viên, huấn luyện viên cần được đảm bảo đời sống đầy đủ, chưa nói đến điều kiện nâng cao.
Về phía Bộ Văn hoá – Thể thao và Du Lịch cũng như Cục TDTT, việc kiểm tra các Trung tâm đào tạo thuộc quyền quản lý cần được đẩy mạnh. Thậm chí, định lượng cho bữa ăn cần được xây dựng rõ ràng nhất, phụ thuộc vào dinh dưỡng đáp ứng cho nhu cầu của các VĐV.
Ở môn bóng đá, các đội bóng chuyên nghiệp, thuộc quản lý của doanh nghiệp và tập đoàn tư nhân, việc ăn uống cho các cầu thủ vẫn được đảm bảo rất tốt, với mức tiền thậm chí còn thấp hơn nhiều so với chế độ của các đội tuyển trẻ quốc gia.
Một số CLB chuyên nghiệp như Hà Nội FC, Thanh Hoá, Hải Phòng,… mức ăn cho cầu thủ chỉ rơi vào khoảng 180.000- 220.000 đồng/người/ngày.
Lãnh đạo một đội bóng phía Bắc cho biết việc quản lý giá cả, đầu vào thực phẩm hay định lượng món ăn không phải khó.
“Vấn đề là có đủ quyết liệt hay không“, vị này cho hay.
PHƯƠNG ANH / VTC News