Các chính sách hỗ trợ cho việc hoàn hơn 10.000 tỷ đồng tiền thuế được áp dụng sau sự kiện 13/5/2014 với Formosa được Tổng cục Thuế kiến nghị dừng từ tháng 9 tới.
Tổng cục Thuế vừa có tờ trình Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo kết quả và hỗ trợ thiệt hại cho doanh nghiệp trong sự kiện 13/5/2014 và đề nghị các đơn vị đóng góp ý kiến trong giai đoạn đầu tháng 8 này. Văn bản này cũng đưa ra số liệu liên quan đến các khoản hỗ trợ đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp – Formosa.
Cụ thể, tổng thiệt hại theo khai báo của doanh nghiệp có nhà xưởng bị đập phá ngày 13/5/2014 tại 4 địa phương (Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai và TP HCM) là hơn 10.000 tỷ đồng. 5.500 tỷ trong số này đến từ Hà Tĩnh do phía Formosa đòi đền bù cả với các thiệt hại trong tương lai (doanh nghiệp này khi đó đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng). Các doanh nghiệp ở Bình Dương cũng khai báo thiệt hại hơn 4.100 tỷ đồng, Đồng Nai và TP HCM lần lượt ở mức 376 tỷ và 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số liệu thống kê chính thức tại 4 tỉnh do bảo hiểm và các cơ quan chức năng Việt Nam thống kê chỉ tương đương non nửa mức khai báo – khoảng 4.600 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại của Formosa Hà Tĩnh chưa đầy 4,8 tỷ.
Hoàn thuế giá trị gia tăng là việc Ngân sách nhà nước trả lại cho tất cả các cơ sở kinh doanh hoặc tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ số tiền thuế đầu vào đã trả khi mua hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh còn chưa được khấu trừ trong kỳ tính thuế hoặc hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tiêu dùng của tổ chức, cá nhân đó không thuộc diện chịu thuế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp sau sự kiện này, ngành thuế đã thực hiện cơ chế hoàn trước kiểm sau với 408 hồ sơ, tương đương số tiền 15.217 tỷ đồng. Riêng với Formosa, số tiền được hoàn là 10.174 tỷ đồng kể từ tháng 4/2014, trong đó thuế giá trị gia tăng là 1.185 tỷ đồng.
Ngoài ra, Formosa Hà Tĩnh cũng được Bộ Tài chính miễn giảm, miễn phạt và hoàn lại số tiền đã truy thu, phạt công ty này trước ngày 13/5/2014, gồm các khoản: miễn giảm và hoàn thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường với các hoạt động hút cát san nền 71,6 tỷ đồng, thuế tài nguyên là 49,2 tỷ, phí bảo vệ môi trường là 22,7 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng quyết định không thu thuế nhà thầu đối với hàng hoá, thiết bị nhập khẩu kèm theo bảo hành là với tổng cộng gần 210 tỷ đồng. Miễn phạt vi phạm hành chính về thuế 1,26 tỷ.
Như vậy, ngoài việc được giải quyết nhanh thủ tục hoàn số thuế (hoàn trước, kiểm sau) trị giá 10.174 tỷ đồng, trong hơn 2 năm qua, Formosa Hà Tĩnh cũng được hỗ trợ số tiền thuế gần 355 tỷ đồng. Hiện nay Formosa cũng được hưởng cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng nhập khẩu theo hình thức ghi thu-chi trong thời hạn 3 ngày kể từ khi hải quan xác nhận thông quan và số thuế phải nộp.
Nhận được nhiều ưu đãi song qua rà soát, kiểm tra… Formosa cũng bị cơ quan thuế, hải quan đã phát hiện nhiều sai phạm như kê khai, áp mã hàng hóa (HS) chưa đúng với quy định, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đối với mặt hàng kết cấu thép tiền chế dạng tháp và các bộ phận rời kèm theo dùng để lắp ghép nhà xưởng. Việc này khiến doanh nghiệp bị hải quan truy thu thuế 5,5 tỷ đồng.
Formosa cũng phải kê khai bổ sung khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng của 19.497 hoá đơn, chứng từ sau khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp với số tiền 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lập hợp đồng bổ sung không đúng quy định và cơ quan thuế đã thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng, phạt vi phạm hành chính 225 tỷ đồng.
Sau những sự việc trên, Tổng cục Thuế nhận định về cơ bản, Formosa đã hoàn thành giai đoạn đầu tư. Mặt khác, qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện công ty có nhiều vi phạm về thuế và bị truy thu, xử phạt. Do đó, cơ quan này cho rằng cần phải kết thúc biện pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, do các văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ từ năm 2014 không nêu thời hạn kết thúc các biện pháp kể trên nền Tổng cục Thuế đề nghị xin ý kiến Thủ tướng chấm dứt vào tháng 9/2016.
Trước đó, bê bối xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển miền Trung vào giữa năm nay đã khiến Formosa Hà Tĩnh quyết định hoãn khánh thành nhà máy. Đây là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Formosa của Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu xây dựng nhà máy tại Khu kinh tế Vũng Áng năm 2012. Tập đoàn Formosa cũng phải cam kết bồi thường 500 triệu USD (hơn 11.000 tỷ đồng) do sự cố nêu trên.
Formosa Hà Tĩnh là nhà máy liên hợp sản xuất gang thép từ nguyên liệu ban đầu là quặng sắt và than đá, thành gang thép thành phẩm. Dự án gồm 6 lò cao dung tích 4.350 m3, công suất ước đạt 15 triệu tấn gang thành phẩm với tổng mức đầu tư là 28,5 tỷ USD (giai đoạn một là 10,5 tỷ USD). Khi hoàn thành, công trình dự kiến tạo việc làm cho trên 35.000 lao động.
Bạch Dương
Theo Vnexpress