Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai cho biết, công ty này đã bán hết cổ phần tại Công ty Nhà Quốc Cường và Nhà Hưng Thịnh trước khi 2 đơn vị này có giao dịch liên quan đến Ngân hàng Xây dựng (CB).
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai nói: “Thực tế, Công ty Quốc cường Gia lai không liên quan trực tiếp hay gián tiếp gì đến vụ việc tại Ngân hàng Xây dựng, nhưng cứ bị nêu tên suốt. Các khách hàng, đối tác cũng điện thoại, nhắn tin đến để hỏi thăm liên tục mấy hôm nay. Tôi cũng bị phân tâm vì không biết dư luận bên ngoài các cơ quan ban ngành và khách hàng đối tác hiểu vấn đề trên thế nào, đã đúng chưa”.
Bà Loan khẳng định: “Chúng tôi không có liên quan gì đến các khoản vay với Ngân hàng Xây dựng ở vụ án đang được xét xử. Quốc Cường Gia Lai đã bán hết cổ phần tại Công ty Nhà Quốc Cường vào tháng 4/2013 trước khoảng gần 3 tháng khi giao dịch giữa Công ty Nhà Quốc Cường với Ngân hàng Xây dựng diễn ra vào tháng 6/2013″.
Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai nói thêm, trước đây, khi công an vào điều tra, có làm việc với bà và công ty Nhà Quốc Cường. “Tôi được biết Công ty Nhà Quốc Cường cũng trình bày rất chi tiết và cung cấp các chứng từ chứng minh Ngân hàng Xây dựng đã có văn bản xác nhận nghĩa vụ trả nợ của Công ty Nhà Quốc Cường”, bà Loan thông tin.
Nội dung của ngân hàng xác nhận: Kể từ ngày 30/12/2013, Công ty Nhà Quốc Cường không còn chịu bất cứ nghĩa vụ trả nợ cho bên ngân hàng, cũng như không còn bất cứ nghĩa vụ và trách nhiệm nào liên quan đến hợp đồng vay vốn trước đó.
“Theo tôi hiểu, khi tòa xử thì phải triệu tập các bên để hỏi lại từ đầu, và sự việc của chúng tôi cũng thể hiện rất công khai với kết luận trong nội dung cáo trạng. Hiện nay, Công ty Quốc Cường Gia Lai rất thiếu nhân sự, bản thân tôi phải đi công tác hầu như liên tục. Để thực hiện đúng pháp luật, tôi đã ủy quyền cho luật sư đến tòa trả lời các nội dung sự việc đã sảy ra.
Cái khổ là bên ngoài dư luận, đối tác, khách hàng lại hiểu lầm Công ty Nhà Quốc cường là Công ty Quốc Cường Gia Lai”, nữ2 chủ tịch công ty bất động sản chia sẻ.
Theo cáo trạng, 2 pháp nhân có mối liên hệ với bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai là Công ty Nhà Quốc Cường và Nhà Hưng Thịnh có hồ sơ vay 300 tỷ đồng với Ngân hàng Xây dựng. Khoản 300 tỷ đồng này nằm trong khoản vay 5.000 tỷ đồng có tài sản thế chấp cũng được thế chấp vay vốn 4.700 tỷ đồng tại BIDV.
Khác với những pháp nhân còn lại ở khoản vay 5.000 tỷ đồng này (12 công ty con thuộc Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh), 300 tỷ đồng vay của Nhà Hưng Thịnh đã được tất toán và không gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Như Loan và ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan – Phó tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai) vẫn được tòa triệu tập với tư cách là người có liên quan.
Khi được hỏi về việc tài sản được thế chấp 2 lần ở 2 ngân hàng, bà Loan nói: “Điểm mấu chốt ở đây tôi xin nhắc lại là Công ty Nhà Quốc Cường không phải là Quốc Cường Gia Lai”. Tuy nhiên, nữ doanh nhân này bổ sung, với nghiệp vụ ngân hàng thì luật pháp không hề quy định: khi khách hàng giao dịch với ngân hàng thì phải biết tài sản ngân hàng nhận thế chấp sau đó mang đi thế chấp ở đâu.
Đối với công ty phát triển Nhà Quốc Cường, ngày 28/6/2013, đại diện công ty này ký giấy đề nghị vay 450 tỷ đồng tại VNCB chi nhánh Sài Gòn. Mục đích kinh doanh bất động sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản. Phương án vay vốn và trả nợ là từ doanh thu và lợi nhuận của việc chuyển nhượng lại bất động sản nêu trên.
Theo cáo trạng, ngày 29/6/2013, Ngân hàng Xây dựng giải ngân 300 tỷ đồng vào tài khoản của công ty Nhà Quốc Cường. Sau đó số tiền này được chuyển vào tài khoản một công ty khác rồi chuyển đến Tập đoàn Thiên Thanh để Phạm Công Danh rút ra sử dụng. Tuy nhiên, khoản vay này sau đó đã được công ty Nhà Quốc Cường chuyển toàn bộ nghĩa vụ trả nợ sang công ty Thành Thành Công. Đến nay, quá hạn vay nhưng công ty Thành Thành Công không trả tiền nên Ngân hàng Xây dựng không thể thu hồi.
Về sự việc này, bà Loan giải thích: “Khi nhận giải ngân 300 tỷ đồng, Nhà Quốc Cường chuyển vào tài khoản Công ty Thành Thành Công để thanh toán theo hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa 2 bên, ngay trong ngày.
Sau đó, việc mua bán không thành, Công ty Thành Thành công đã nhận nghĩa vụ trã nợ và được Ngân hàng Xây dựng chấp nhận, có văn bản cam kết nhận nợ của Thành Thành Công. Ngay trong ngày, Ngân hàng Xây dựng đã ra thông báo chấm dứt nghĩa vụ trả nợ đối với Công ty Nhà Quốc Cường vì tài sản thế chấp quyền sử dụng là Thành Thành Công đứng chủ sở hữu.
Chúng tôi chỉ biết đến đây, còn tiếp theo nữa là Thành Thành Công và Ngân hàng Xây dựng ra sao chúng tôi không nắm rõ”.
Hoàng Ly
Theo Trí thức trẻ